Công nghệ xanh cho doanh nghiệp lớn

Những tiến bộ về công nghệ không chỉ giúp giảm điện năng tiêu thụ mà còn tăng hiệu năng hệ thống và quan trọng hơn là bảo vệ môi trường toàn cầu. Trong chuyến công tác tại Việt Nam vào trung tuần tháng 05/2008, ông Kirk B. Skaugen, phó chủ tịch nhóm Doanh Nghiệp Số, Tổng giám đốc nhóm Nền Tảng Máy Chủ của Intel đã có một buổi gặp gỡ với báo chí để chia sẻ những thông tin mới nhất về những đầu tư và thành quả của Intel trong chiến lược xây dựng nền Công nghệ thông tin (CNTT) Xanh (Green IT) toàn cầu.

Hiện nay, trong bối cảnh hiện tượng nóng lên của trái đất và nhiều quan ngại về môi trường, những vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp lớn chính là tình trạng giá nhiên liệu ngày càng tăng, nguồn điện năng, chi phí làm mát trong mối tương quan với các trung tâm dữ liệu (data center-DC). Để có thể đạt được hiệu năng điện toán cao nhất và sử dụng điện năng tiết kiệm nhất, phải có sự nghiên cứu và phân tích tường tận, toàn diện và phải có tầm nhìn mới về DC như điện năng tiêu thụ ở tình trạng không tải, tải tối đa của bộ xử lý (CPU) hệ thống làm mát, bộ nguồn, bộ nhớ, bộ lưu điện (UPS) v.v…

Hướng tiếp cận của Intel cho yếu tố hiệu quả về năng lượng và CNTT Xanh nói chung là hạ thấp tiêu thụ điện năng các thành phần ngay trong CPU nhờ công nghệ 45nm, giảm rò rỉ điện, tăng tốc độ transitor; tăng hiệu năng với CPU 4 nhân, công nghệ ảo hóa; tối ưu các dàn (rack) máy chủ với máy chủ phiến, đa năng và giao tiếp rắn (solid state interface); tăng cường quản lý các DC nhờ khả năng cân bằng tải các máy chủ ảo và các dàn máy chủ sinh thái (Eco rack).

Không những thế, Intel còn tham gia các tổ chức toàn cầu về bảo vệ môi trường như Climate Saver, Green Grid v.v… và làm việc với chính phủ các nước về tiết kiệm điện năng. Với công nghệ Hi-K trong chế tạo CPU để “bảo toàn” định luật Moore và để hiện thực quy trình 45nm giúp tăng hiệu năng transitor 20%, giảm tiêu thụ điện năng 30% (so với 65nm), giảm kích thước CPU đến 60%, lộ trình của Intel là mỗi năm sẽ đưa ra một kiến trúc bộ xử lý mới và năm 2009 sẽ đạt đến kiến trúc 32nm.

Một ví dụ minh họa theo tính toán của Intel thì với yêu cầu xử lý 5,1 triệu tác vụ/giây, nếu vào 2004 cần 6 dàn với 126 máy chủ thì hiện nay với BXL Intel Xeon Quad-core 5400, công nghệ 45nm thì chỉ cần 1 dàn với 17 máy chủ phiến, giúp giảm 83% diện tích và giảm đến 87% chi phí điện năng hàng năm. Tuy nhiên, vai trò quyết định trong việc tăng hiệu năng sử dụng năng lượng, giảm khí thải không chỉ về phía những nhà sản xuất PC hay máy chủ mà còn có vai trò rất quan trọng của người dùng cuối. Tất cả chúng ta cần tăng cường nhận thức và cam kết sử dụng PC hay máy chủ theo CNTT Xanh.

Giải pháp phần mềm đóng góp như thế nào vào chiến lược CNTT Xanh?

Chúng tôi phát triển từ (công nghệ) 1 nhân sang (công nghệ) 2 nhân, 4 nhân và 6 nhân… Với bộ xử lý 4 nhân mới nhất, 2 socket server bạn sẽ có 16 luồng xử lý… vì thế phần mềm phải có khả năng xử lý song song tốt nhất. Intel là nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới về công cụ xử lý socket (sau Microsoft) và 10% nhân viên của chúng tôi là kỹ sư phần mềm, luôn phát triển những công cụ để mọi người tinh chỉnh phần mềm và từ đó tăng khả năng xử lý song song, hiệu năng cũng như hiệu quả sử dụng năng lượng… Nếu ngày xưa, tốc độ xử lý phụ thuộc vào tần số xung nhịp thì hiện nay, tốc độ đó phụ thuộc vào việc xử lý song song thực sự.

 
Bộ xử lý 6 nhân mới nhất của Intel.

Intel đã phối hợp với chính phủ các nước như thế nào để hiện thực CNTT Xanh?

Gần đây, chúng tôi có làm việc với tổ chức sử dụng năng lượng hiệu quả của Trung Quốc (CEEFC) và họ đã đồng ý ủng hộ mục tiêu của Climate saver và là nhà bảo trợ cho điều này tại Trung Quốc. Cơ quan này sẽ hiện thực các chính sách, phối hợp giáo dục… tại nước này. Chính phủ Trung Quốc cũng đã hành động với dự án CNTT Xanh. Như vậy, chúng tôi đã cùng một cơ quan chính phủ cảnh báo cho mọi người về các vấn đề môi trường cũng nhưng quảng bá cho một nền CNTT Xanh.

Tại Mỹ chúng tôi cũng đã làm việc với ủy ban Bảo Vệ Môi Trường để áp dụng chuẩn hiệu quả năng lượng (Energy Star) cho máy chủ. Chúng tôi cũng mong muốn làm việc với Chính Phủ Việt Nam để tăng cường sự quan tâm của xã hội với CNTT Xanh. Ngay cả những nước châu Âu và nhiều nước khác cũng đã thể hiện sự quan tâm và có liên quan đến tổ chức toàn cầu Climate saver. Điều quan trọng là tùy sự quyết định của từng nước.

Những tiêu chuẩn nhà máy tại Việt Nam hiện chưa thể công bố nhưng chúng ta hãy thử xem ví dụ về nhà máy tại Mỹ. Intel là khách hàng lớn nhất về nguồn điện năng mới, mua chứng chỉ về CO2, mua đến 46% tổng năng lượng có nguồn gốc xanh (green energy) như điện năng từ hydro, mặt trời, gió, khí đốt sinh học… (trên 1 tỷ kwh). Điều này cho thấy sự cam kết của chúng tôi đối với môi trường. Ngoài những điều trên, chúng tôi cũng hết sức quan tâm đến khả năng tái sinh của sản phẩm. Ví dụ, chúng tôi nhà sản xuất chịp đầu tiên đã không dùng chì trong quy trình sản xuất và vào nửa cuối năm nay thì chip Xeon cũng sẽ không dùng halogen.

Ông có khuyến cáo nào cho những DC Việt Nam?

Đây là thời điểm tốt nhất để nâng cấp những trường hợp dùng máy chủ 1 nhân lên máy chủ dùng bộ xử lý 4 nhân, 45nm vì khả năng thu hồi đầu tư rất cao (theo tính toán của Intel là dưới 2 năm). Một trong những chi phí lớn là tản nhiệt cho DC. Intel cũng sẽ hỗ trợ khách hàng và cũng đã phát triển được cái gọi là tỷ số sử dụng năng lượng hiệu quả để tính toán chi tiết việc sử dụng năng lượng; thiết kế hệ thống làm mát hiệu quả v.v… Bạn nên quan tâm không chỉ tốc độ xung nhịp mà còn phải chú ý đến số nhân, mức tiêu hao điện năng v.v…

Làm thế nào để tăng cường sự nhận thức của người dùng về CNTT Xanh?

Với người dùng cuối, các bạn nên hiểu rằng CNTT Xanh không phải là chuyện xa xôi mà hoàn toàn có thể quy thành tiền. Hầu hết ai cũng biết đến vấn đề toàn cầu đang nóng lên nhưng cũng nên tăng cường sự hiểu biết về khả năng cải thiện vấn đề này của mình bằng cách sử dụng thích hợp PC, máy chủ. Vấn đề này không chỉ là sự cam kết của nhà sản xuất mà còn là nhận thức và ý thức sử dụng của người dùng cuối với những sản phẩm đạt chuẩn CNTT Xanh.

Chúng ta cũng nên nhìn thấy sự tiến triển trong quan điểm về transitor. Nếu trước đây, chỉ đơn thuần để tăng tốc độ (performance) thì giờ đây transitor còn để phục vụ khả năng quản lý, bảo mật, giảm điện năng khi không làm việc, sửa chửa hệ thống từ xa v.v… Như vậy, thay vì chỉ chú trọng đến tốc độ thì đây là lúc mọi người nên “làm tươi” quan điểm để chú trọng đến những vấn đề khác.

Hiệu quả áp dụng thực tế CNTT Xanh tại Intel?

Bộ phận CNTT của chúng tôi có 18 DC trên khắp thế giới, chúng tôi đã giảm số cấu hình để giảm tiêu thụ điện năng, áp dụng công nghệ ảo hóa để tăng cường khả năng sử dụng máy chủ, không chỉ ảo ngay trên chip mà còn ảo hóa các DC. Trước đây khi chúng tôi thiết kế chip ở Israel hay Bangalore, chúng tôi sẽ dành riêng những trung tâm con cho từng đội thiết kế và trong trường hợp dự án bị trễ hay hoãn thì hàng nghìn máy chủ “ở không”.

Giờ đây với những DC ảo hóa, các đội có thể truy cập và chia sẻ tài nguyên hiệu quả hơn. Từ hàng trăm, chúng tôi giảm chỉ còn khoảng 8 cổng chính (hub) trên toàn thế giới và không chỉ giảm chi phí trang thiết bị, mạng v.v… mà còn có thể sử dụng các tài nguyên tập trung này 24/7 cho những múi giờ khác nhau. Chúng tôi muốn sẽ đạt hiệu năng sử dụng là 65% thay vì chỉ trung bình khoảng 15% như đã đề cập. Nhờ vậy, trong vòng 8 năm, chúng tôi có thể tiết kiệm ngân sách CNTT khoảng 1,4 – 1,8 tỷ USD.