Thành phố Hồ Chí Minh: Phân vùng nước ô nhiễm theo chỉ số quốc tế

Phân viện Công nghệ mới và Bảo vệ môi trường vừa thực hiện đề tài “Phân vùng chất lượng nước theo chỉ số chất lượng nước (WQI) ở TP.HCM”. PGS-TS Lê Trình giải thích về ý nghĩa của việc đánh giá chất lượng nước theo WQI.

Thưa ông, điều gì khiến cho việc nhất thiết chúng ta phải có chỉ số chất lượng nước (WQI)?

Nói một cách đơn giản, dễ hiểu, WQI (Water Quality Index) là công thức toán học mô phỏng mức độ ô nhiễm nguồn nước sông, hồ dựa trên giá trị phân tích các thông số đặc trưng về chất lượng nước.

Dựa vào đó các nhà lãnh đạo và cả người dân bình thường cũng có thể biết chất lượng và mức độ ô nhiễm nước ở từng đoạn sông vào từng thời điểm, từ đó có thể biết nguồn nước ấy có thể sử dụng được cho sinh hoạt, nuôi tôm cá, thủy lợi… được hay không.

Một địa phương hoặc một quốc gia nếu có mạng lưới quan trắc chất lượng nước đồng thời lại có qui định về WQI thì có thể thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước, phòng chống ô nhiểm, sử dụng nước hợp lý và an toàn. Chính vì vậy nhiều nước tiên tiến, nhất là Hoa Kỳ, Canada, Anh và một số nước đang phát triển như Ấn Độ, Thổ Nhĩ kỳ… đang triển khai rộng rãi các hệ thống WQI ở nhiều lưu vực sông. Với các lợi ích đã được chứng minh nước ta trước hết là các thành phố lớn, các lưu vực sông quan trọng cần nghiên cứu thiết lập và ứng dụng Hệ thống WQI.

Nếu đem hệ thống WQI nói trên so sánh với các tiêu chuẩn hiện hành mà chúng ta đã và đang sử dụng từ trước tới nay thì WQI có những ưu điểm gì?

Mục đích của đề tài “Nghiên cứu phân vùng chất lượng nước theo chỉ số chất lượng nước (WQI) và đánh giá khả năng sử dụng các nguồn nước sông, kênh rạch ở vùng TP.HCM” là (a) xác định cơ sở khoa học lựa chọn các thông số để lập các mô hình WQI phù hợp đặc điểm môi trường nước TP.HCM, (b) áp dụng mô hình WQI để phân loại, phân vùng chất lượng nước, (c) đề xuất, đánh giá khả năng sử dụng nước các đoạn sông, kênh, rạch ở TP.HCM.

Đây là lần đầu tiên ở lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn và các sông phía Nam được phân loại chất lượng nước theo hệ thống WQI có tính quốc tế hoá.

Chỉ số chất lượng nước là biện pháp lượng hoá dễ hiểu về mức độ ô nhiễm nước tại vị trí cụ thể, thời điểm cụ thể. Dựa vào đó người dân có thể biết được nguồn nước mà mình đang sử dụng đạt loại gì (rất tốt – không ô nhiễm, tốt – ô nhiễm nhẹ, trung bình – ô nhiễm trung bình, xấu – ô nhiễm nặng hoặc rất xấu – ô nhiễm nghiêm trọng) và sử dụng có an toàn cho mục đích mong muốn hay không? Bằng cách đánh giá mức độ ô nhiễm nước bằng số học (cho điểm từ 0 đến 100) qua WQI ta có thể hiểu chất lượng nước tại từng điểm trên dòng sông vào từng thời điểm.

Ví dụ khi được thông báo WQI của sông Sài Gòn tại cầu Bình Lợi vào ngày 25 tháng 5 là 30, người dân sẽ hiểu là vào thời điểm đó sông Sài Gòn tại đây đã bị ô nhiễm ở mức nặng, không nên sử dụng cho cấp nước sinh hoạt, thủy sản, bơi lội. Ngược lại, nếu được thông báo giá trị WQI của sông Lòng Tàu là 90 thì người dân sẽ hiểu là chất lượng nước tại khu vực này rất tốt, có thể sử dụng an toàn cho nuôi tôm, cá, du lịch, thể thao dưới nước.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, các cơ quan chức năng (Sở TNMT hoặc Bộ TNMT) cần phải có các điều kiện sau:

(a) Thiết lập và hoạt động mạng lưới quan trắc môi trường nước với nhiều điểm thu mẫu và phân tích trên các dòng sông chính theo tần suất tuương đối dày, với nhiều thông số quan trắc, ít nhất phải có các thông số trong công thức WQI đà được lập.

(b) Tính toán các giá trị WQI và công khai thông tin cho lãnh đạo và công chúng theo định kỳ.

(c) Diễn giải cách phân loại chất lượng nước theo WQI một cách dễ hiểu: Chỉ số WQI là gì? Qui định chất lượng nước theo điểm số: bao nhieu điểm lầ loại tốt, bao nhiêu điểm là loại xấu v.v…Loại nước nào có thể sử dụng cho sinh hoạt, loại nào sử dụng an toàn cho nuôi thủy sản, loại nào không nên sử dụng mà phải xử lý…

Hiện ở Việt Nam chưa có hệ thống chung để phân vùng chất lượng nước, hơn 15 năm trước chúng tôi đã nghiên cứu phân vùng chất lượng nước cho lưu vưc sông Đồng Nai – Sài Gòn nhưng chưa có công cụ về tin học để cập nhật số liệu định kỳ. Trong các năm 2004-2006 Khoa Hóa học – Đại học Huế cũng đã vận dụng phương pháp tính chỉ số WQI của Ấn Độ áp dụng cho việc phân loại chất lượng các sông khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Hiện nay TP Hà Nội đã bắt đầu triển khai đề tài nghiên cứu phân vùng chất lượng nước khu vực Hà Nội bằng hệ thống WQI và đề xuất biện pháp sử dụng hợp lý nguồn nước (chủ nhiệm : Lê Trình). Hy vọng là trên cơ sở kết quả của các đề tài này việc xác lập và áp dụng WQI trong quản lý môi trường ở Việt Nam sẽ thành hiện thực sau năm 2010.

Phương pháp WQI tương đối đơn giản, ít tốn kém so với việc phải phân tích toàn bộ các thông số ô nhiễm có trong các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường nước (ví dụ theo TCVN 5942-1995 phải phân tích 37 thông số). Hệ thống WQI của TP Hồ Chí Minh theo đề tài đề xuất chỉ yêu cầu phân tích 10 thông số chọn lọc hoặc ít nhất là 6 thông số là có thể đánh giá tổng quát về chất lượng nước toàn bộ lưu vực.

Giả sử chỉ số WQI được Nhà nước công nhận và đưa vào danh sách thành quy chuẩn pháp lý thay cho các tiêu chuẩn hiện hành thì nó có những đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế xã hội không thưa ông?

Trước tiên, cần phải khằng định rằng, hệ thống WQI này không thể thay thế cho các Tiêu chuẩn chất lượng nước chuyên ngành (TCVN về nước cấp cho sinh hoạt, thủy sản, thủy lợi…).

WQI chỉ đánh giá một cách khái quát chất lượng nước cho một lưu vực, một dòng sông, một hồ nước cụ thể. WQI không phải là tiêu chuẩn, hoặc quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên do WQI có thể khái quát chất lượng nước cho một lưu vực sông hoặc một vùng cụ thể nên đây là công cụ rất hiệu quả trong quản lý môi trường, quan trắc ô nhiễm, đánh giá tác động môi trường, đánh giá hiệu quả xử lý ô nhiễm, đánh giá sơ bộ khả năng sử dụng nước. Nếu áp dụng theo hệ thống WQI tại khu vực TP.HCM và các lưu vực trong cả nước chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả BVMT, tiết kiệm đáng kể nguồn chi phí về tiền của và nhân lực cho các địa phương.

Thế còn việc quản lý nước thì sao?

Mục tiêu của đề tài này chính là để phục vụ cho yêu cầu quản lý và sử dụng hợp lý, an toàn các nguồn nước, qua hệ thống WQI chúng ta sẽ quản lý được chất lượng nước tại từng thời điểm, từng khu vực cụ thể, các cơ quan chức năng có thể dựa vào đó để đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước, tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục chất lượng nước cho phù hợp với từng mục đích sử dụng. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia hệ thống này được đánh giá là có hiệu quả cao trong bảo vệ tài nguyên nước.

Xin cảm ơn ông!