Ba biện pháp chống suy thoái rừng ngập mặn Cần Giờ

Nuôi tôm sinh thái kết hợp với tỉa thưa, dọn rừng và đa dạng hóa cây trồng… Đó là 3 biện pháp do TS Phạm Thế Dũng, Phân viện Nghiên cứu khoa học lâm nghiệp Nam Bộ đưa ra để chống suy thoái rừng ngập mặn (RNM) Cần Giờ.

Ngày 14/05, tại buổi xét duyệt đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp chống suy thoái rừng ngập mặn (RNM) Cần Giờ” do Sở KH-CN TP.HCM tổ chức, TS Phạm Thế Dũng, Phân viện Nghiên cứu khoa học lâm nghiệp Nam Bộ, chủ nhiệm đề tài trên đã đưa ra 3 biện pháp chống suy thoái RNM Cần Giờ.

3 mô hình quản lí rừng mà TS Phạm Thế Dũng đưa ra được toàn thể hội đồng xét duyệt để tài đánh giá cao, cụ thể là mô hình RNM kết hợp nuôi trồng thuỷ sản theo hướng nuôi tôm sinh thái có sự tham gia của người dân. Thứ hai là mô hình tối ưu hoá không gian dinh dưỡng của các loài thông qua các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như: tỉa thưa, dọn vệ sinh rừng và nuôi dưỡng hợp lí. Thứ ba là mô hình đa dạng hoá loài cây trồng theo phương thức trồng hỗn giao theo hàng, cụm và đám.

Đề tài trên được Chủ tịch Hội Kỹ thuật khoa học Lâm nghiệp PGS.TS Vũ Xuân Đề đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn và tính mới về khoa học.

Ông nhấn mạnh các biện pháp trên sẽ mở ra hướng đi mới trong việc điều tra khảo sát tổng hợp các yếu tố cũng như những nguyên nhân dẫn đến thoái hoá RNM Cần Giờ, cả về kỹ thuật và kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Xuân Đề cũng lưu ý nhóm nghiên cứu đề tài cần phải tính đến đặc thù của RNM Cần Giờ, nhất là từ khi có các đập thủy điện đặc biệt là gần đây là thêm công trình xây dựng đập kè thuỷ điện lấn biển Cần Giờ.

Thời gian thực hiện đề tài là 36 tháng (tháng 01/2008 – tháng 12/2010) với tổng kinh phí đầu tư là 490,87 triệu đồng. Mục đích nghiên cứu của đề tài là nhằm xác định những yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội dẫn đến khả năng thoái hoá RNM Cần Giờ nhằm đề ra các giải pháp khắc phục, đồng thời có thể ứng dụng những giải pháp trong các mô hình quản lí bền vững RNM Cần Giờ.