Chim di cư – Sứ giả của Đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Đó là chủ đề của ngày Chim di cư Thế giới 2008 mới diễn ra vào ngày 10 và 11/05. Thông điệp năm nay tập trung sự chú ý vào mối liên hệ giữa các loài chim di cư với tính đa dạng sinh học và các thành phần trong môi trường.

Ngày Chim di cư Thế Giới (WMBD) là một hoạt động kỷ niệm mang tính toàn cầu để thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn thế giới. Hoạt động này được tổ chức bởi Ban Thư ký của Hiệp ước về Chim nước di cư liên châu Phi – Á – Âu (UNEP/AEWA) cùng với Ban Thư ký Công ước về các loài di cư (UNEP/CMS).

Trong dịp này, các nhà bảo tồn và quan sát chim đã tổ chức các buổi hòa nhạc, chiếu phim và các hoạt động xã hội khác nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người về tình trạng đe dọa ngày càng tăng đối với các loài chim di cư nói riêng và đa dạng sinh học toàn cầu nói chung.

Với đặc tính di cư theo mùa, chim di cư là cư dân của hầu hết các hệ sinh thái trên Trái đất. Do đó, chúng được xem là những tiêu chí tốt nhất thể hiện tình trạng và xu hướng thay đổi của mức độ đa dạng sinh học trên trái đất.

Tuy nhiên, một loạt báo cáo gần đây cho biết số lượng cá thể các loài chim di cư đang bị suy giảm trên toàn cầu. Cụ thể, trên hướng di cư từ Châu Phi – Châu Á – Âu, 41% trong số 522 loài chim nước đang bị giảm. Số lượng cá thể của 36 loài chim biển di cư theo hướng Đông Á – Australia cũng bị giảm tới 75% trong vòng 25 năm qua. Cũng trong khoảng thời gian đó, các loài chim phương Bắc ở Tây bán cầu như chim Chích Canada – loài chim di cư từ Bắc Canada đến Nam Mỹ cũng bị giảm số lượng do chúng bị mất đi môi trường sinh sản – đó là các khu rừng.

Nguyên nhân gây nên tình trạng khá phức tạp, thay đổi tùy thuộc loài và tuyến di cư của chúng, song nhìn chung thì sự suy giảm số lượng các loài chim là dấu hiệu của các vấn đề môi trường có liên quan đến sự mất đi môi trường sống và tính đa dạng sinh học trên toàn thế giới.

Các loài chim di cư với những hành trình di trú dài ngày rất dễ bị tổn thương do sự biến đổi môi trường. Để hoàn thành hành trình di cư hàng năm, chúng yêu cầu phải có các khu vực an toàn để sinh sản và trú đông. Ngoài ra, chúng cũng cần một loạt các điểm dừng chân nghỉ ngơi và tiếp sức để có thể tiếp tục cuộc hành trình. Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển của ngành công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và hệ thống cơ sở hạ tầng đã làm mất đi môi trường sống tự nhiên của chim di cư và nhiều loài động thực vật khác. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ có ít điểm dừng chân cho các loài chim di cư trên hành trình của chúng, trong khi chúng lại phụ thuộc rất lớn vào các điểm đó để hoàn thành chu trình di cư hàng năm của mình.

Môi trường sống tự nhiên của chim di cư bị phá vỡ còn là kết quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trái đất tăng lên kéo theo việc mở rộng các hoang mạc, cùng với bão tố xảy ra thường xuyên hơn đã ảnh hưởng rất lớn đến các loài chim di cư. Mực nước biển dâng cao cũng đe dọa các vùng đất ngập nước vốn rất quan trọng trong cuộc sống của chúng. 

Tất cả những nhân tố này đều liên quan đến sự suy giảm của các loài chim di sư trong thời gian gần đây.

Chủ đề và thời gian kỷ niệm Ngày Chim di cư năm nay gần với Hội Nghị lần thứ 9 của các thành viên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) sắp diễn ra ở Bonn, Đức vào cuối tháng này. Trong bối cảnh này, thông điệp của Ngày Chim di cư Thế giới năm nay là một tín hiệu rõ ràng đến các nhà lãnh đạo thế giới rằng, cần phải hành động để ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và tăng cường các hoạt động quốc gia, quốc tế để bảo vệ mạng lưới các khu vực sống và nghỉ chân của các loài chim di cư. Việc bảo vệ các khu vực này không chỉ quan trọng đối với việc bảo tồn các loài chim mà còn rất có ý nghĩa đối với các loài sinh vật khác.

Robert Hepworth, Thư ký điều hành của Công ước về các loài chim di cư (CMS): “Các loài chim di cư đóng vai trò như những sinh vật chỉ thị cho mức độ đa dạng sinh học của Trái đất. Bất kỳ tác động nào lên hệ sinh thái do sự biến đổi khí hậu, sự suy thoái môi trường sống đều được phản ánh thông qua cấu trúc quần thể, số lượng và thời gian sinh sản của các loài chim di cư. Cả CMS và AEWA đều đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự suy giảm số lượng của những vị đại sứ cho mức độ đa dạng sinh học này.”

Bert Lenten, Thư ký điều hành của Hiệp ước về các loài chim nước Phi – Á – Âu (AEWA): “Thông điệp của Ngày Chim di cư Thế giới đòi hỏi chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường sống của chúng vì chính các loài chim di cư và cũng vì đa dạng sinh học nói chung”.

Mike Rands, Chủ tịch của Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế ( BirdLife International): “Mỗi năm, các loài chim di cư đi qua rất nhiều quốc gia, liên kết các hệ sinh thái khác nhau trên Trái đất. Đẹp – truyền cảm – mang tính toàn cầu, chúng là những vị đại sứ tuyệt vời cho đa dạng sinh học thế giới. Bằng việc bảo tồn các loài chim và môi trường sống của chim di cư, chúng ta cũng sẽ bảo vệ được mức độ đa dạng sinh học trên một phạm vi rộng hơn.”

Jane Madgwick, Phó Chủ tịch của Tổ Chức bảo tồn các vùng Đất ngập nước (Wetlands International): “Con người trên toàn thế giới không chỉ được kết nối bởi các loài chim và sự di trú của chúng, chúng ta còn sống trong cùng một môi trường với chúng. Con người và các loài chim cùng chia sẻ với nhau các vùng đất ngập nước và cả hai đều phụ thuộc vào khả năng cung cấp của hệ sinh thái đó. Và vai trò của các loài chim với quá trình di cư đáng kinh ngạc của mình đem lại cho ngôi nhà chung này là rất hiển nhiên. Như vậy thì sự cần thiết phải bảo vệ các hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học của chúng trong đó các loài chim là những vị đại sứ đã trở thành một phần trong sự phát triển của thế giới.” ”