Liên kết vùng – Giải pháp để phát triển bền vững

Hiện nay, hàng loạt các khu, cụm công nghiệp được qui hoạch phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang dần lộ ra những bất cập, khi chiến lược phát triển không song hành với công tác bảo vệ môi trường. Mặt bằng dân trí thấp so với cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 11,3 triệu đồng/người/năm, nhưng chỉ bằng 84% so với mức bình quân cả nước… Các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, lãnh đạo Trung ương và địa phương cho rằng cần xây dựng cơ chế “liên kết vùng” để khai thác lợi thế, tiềm năng của từng địa phương để ĐBSCL không tụt hậu trong tiến trình hội nhập kinh tế.

Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững…

Năm 2007, mức tăng trưởng kinh tế toàn vùng đạt trên 13%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (8,5%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, khu vực nông nghiệp chiếm 42%, công nghiệp- xây dựng 25% và thương mại- dịch vụ 33% trong GDP. Năm qua, hầu hết các tỉnh, thành đều đạt và vượt kế hoạch về tăng trưởng kinh tế. Trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của toàn vùng như TP Cần Thơ trên 16%, Đồng Tháp: 15%, Long An: 13,5%… tỉnh có mức tăng trưởng thấp nhất là Bến Tre cũng đạt 10,8%…

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL duy trì ở mức cao, nhưng chất lượng tăng trưởng chưa thật sự bền vững; sức cạnh tranh hàng hóa dịch vụ chưa cao, chưa thu hút đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước về đầu tư, phát triển công nghiệp.

Ông Đỗ Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: “Năm 2007, Long An đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay (13,5%). Trong đó nông nghiệp tăng 4,6%; công nghiệp- xây dựng tăng 25,8% và thương mại- dịch vụ tăng trên 11%. Hiện nay, khu vực nông nghiệp chiếm 36,4%, công nghiệp- xây dựng 33,7% và thương mại- dịch vụ gần 30% trong GDP. Công nghiệp- xây dựng luôn có mức tăng trưởng trên 20%/năm, đây là nền tảng để Long An phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Song, chất lượng tăng trưởng thiếu ổn định, nhất là khu vực nông- lâm- thủy sản chưa phát huy hết hiệu quả, chưa xây dựng được ngành công nghiệp mũi nhọn. Còn thương mại- dịch vụ phát triển chậm so yêu cầu…”. Đây cũng là tình hình chung của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.

Thêm vào đó, việc xúc tiến mời gọi đầu tư của các địa phương trong vùng chưa có những dự án cụ thể, nhà đầu tư chưa thấy được tiềm năng và ưu thế trong các dự án mời gọi đầu tư. Ông Nguyễn Trường Đảnh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư- Thương mại- Du lịch (ĐT- TM- DL) TP Cần Thơ, thừa nhận: “Việc xây dựng chương trình xúc tiến mời gọi đầu tư chưa cụ thể, thành phố chưa ban hành chính sách đầu tư riêng cho mình. Những danh mục dự án kêu gọi đầu tư cũng chưa thống nhất giữa các ngành”.

Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến ĐT- TM- DL Cần Thơ đưa ra 33 dự án kêu gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, khu dân cư, điện… tổng nguồn vốn kêu gọi hơn 10.612 triệu USD. Tuy nhiên, những dự án này đến nay chưa được các cơ quan ban ngành trong thành phố thống nhất thông qua.

Thiếu gắn kết

Tại hội nghị ngành kế hoạch- đầu tư vùng ĐBSCL lần thứ 14 được tổ chức vào đầu tháng 04/ 2008 ở tỉnh Long An, nhiều ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, mối liên kết trong phát triển kinh tế vùng còn mờ nhạt, nên chưa phát huy được thế mạnh. Theo ông Nguyễn Phương Sang, Vụ phó Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ (Bộ Kế hoạch- Đầu tư), ngành công nghiệp ĐBSCL phát triển đa dạng, doanh nghiệp quan tâm đổi mới công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn ISO, HACCP, TQM… vào sản xuất. Năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt 29.000 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2006. Một số địa phương, ngành công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh như: TP Cần Thơ (tăng 18,9%), Long An (tăng 35%), Tiền Giang (tăng 61%)… Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng chỉ chiếm khoảng 6% giá trị của cả nước.

Hội nghị đưa ra những con số chứng minh kinh tế toàn vùng đạt ở mức cao, nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Năm 2007, tổng mức đầu tư của toàn vùng khoảng 88.000 tỉ đồng (tăng 30% so với năm 2006), chỉ chiếm 19% so với cả nước. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ toàn vùng đạt 178.900 tỉ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hơn 4.205 triệu USD, tăng 17% so với năm 2006, nhưng chỉ bằng 10,6% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 25%…

Toàn vùng có khoảng 424 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn trên 3,67 tỉ USD và chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng vốn FDI của cả nước. Trong đó, Long An dẫn đầu với 208 dự án (tổng vốn hơn 1,39 tỉ USD), kế đến là TP Cần Thơ 49 dự án, vốn đăng ký hơn 179 triệu USD… Nếu đem so với một số tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong suốt 20 năm (1987- 2007), tổng vốn FDI toàn vùng rất nhỏ và không bằng một năm thu hút đầu tư của một tỉnh. Mặc dù các tỉnh đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nhưng lại thiếu sự gắn kết trong mời gọi nhà đầu tư, mạnh ai nấy làm. Do vậy, tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương.

Tạo sức bật

Quyết định 26/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 05/02/2008) ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2010 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển một số ngành. Trong sản xuất công nghiệp, ưu tiên công nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản để tạo ra sản phẩm chủ lực cho xuất khẩu, đồng thời phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ nông, ngư nghiệp và đóng tàu. Trên lĩnh vực nông nghiệp, ổn định diện tích trồng lúa, với giống lúa chất lượng cao, phát triển nuôi trồng thủy sản… tạo nên vùng sản xuất hàng hóa với sản lượng lớn phục vụ cho xuất khẩu. Mở rộng mạng lưới thương mại- dịch vụ, du lịch; phát triển các chợ đầu mối, chợ biên giới với Campuchia, đồng thời phát triển du lịch dựa vào đặc thù vùng…

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ, mức đóng góp của khu vực công nghiệp- xây dựng tiếp tục tăng trong khoảng 3 đến 5 năm nữa, sau đó chậm dần; khu vực nông nghiệp sẽ giảm; thương mại- dịch vụ cũng giảm, nhưng sau đó sẽ cải thiện. Cụ thể đến năm 2010, thương mại- dịch vụ ở mức 32%; công nghiệp- xây dựng nâng lên hơn 30%; nông nghiệp giảm xuống còn 35%. Ngoài ra, ông đề nghị, trong qui hoạch khu công nghiệp, các địa phương vùng ĐBSCL phải kiểm soát quỹ đất chặt chẽ hơn. Cần tính toán qui mô vốn đầu tư của mỗi dự án trên mỗi héc-ta chứ không nên tính số héc-ta cho mỗi dự án và quan trọng là “sàng lọc” nhà đầu tư để có được công nghệ như mong muốn.

Bộ Kế hoạch- Đầu tư cũng đưa ra những giải pháp thắt chặt mối liên kết vùng ĐBSCL. Cụ thể, các tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre, gần TP Hồ Chí Minh, thuận lợi để tiếp cận thị trường trong nước, xuất khẩu, nên thu hút dự án có hàm lượng kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại để hình thành một số ngành hàng, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, đồng thời phát triển công nghiệp chế biến, cơ khí, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Còn TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp có vùng nguyên liệu dồi dào, cảng biển, cửa khẩu biên giới, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông- thủy sản, dược phẩm… Các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… tập trung phát triển kinh tế biển, công nghiệp đóng tàu, đánh bắt xa bờ, chế biến hải sản, công nghiệp khí- điện- đạm… Để đạt hiệu quả, các địa phương phải phối hợp trong hoạt động xúc tiến thương mại- đầu tư, tăng cường công tác thông tin, phổ biến các qui định, luật pháp quốc tế về thương mại- xuất nhập khẩu. Chú trọng xuất khẩu đi đôi với nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Năm 2008, chỉ tiêu phấn đấu của toàn vùng ĐBSCL là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đạt 14,5- 15%; khu vực nông nghiệp giảm còn 38,8%, công nghiệp xây dựng tăng lên 27,3% và thương mại- dịch vụ 33,9% trong GDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 30% so với năm 2007 (đạt 100.000- 120.000 tỉ đồng); kim ngạch xuất khẩu 5.650 triệu USD (tăng 34%); thu nhập bình quân đầu người 13,2 triệu đồng/người/năm…

Theo ông Nguyễn Phương Sang, Vụ phó Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ (Bộ Kế hoạch- Đầu tư), ĐBSCL là vùng trọng điểm lương thực, nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, nhưng chưa có chính sách đảm bảo để cho vùng thực hiện nhiệm vụ này. Bộ Kế hoạch- Đầu tư đang kiến nghị Trung ương cần có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với nông dân sản xuất lúa trong vùng.