Người dân đồng bằng sông Mê Kông trước vấn đề nước biển dâng

ThienNhien.Net – Nhắc đến đồng bằng sông Mê Kông, hình ảnh hiện ra trong trí tưởng tượng của mọi người là những cánh đồng ngập nước thẳng cánh cò bay. Nằm trên độ cao 1m so với mực nước biển, khi mực nước biển dâng cao do trái đất nóng lên, đồng bằng sông Mê Kông chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy mà những người dân nơi đây hầu như chưa hề biết đến thông tin này.

Khi tôi nói về vấn đề nước biển dâng, những người nông dân ở đây vô cùng ngạc nhiên, có người thì thốt lên “trời ơi”, có người thì bảo “đến lúc đó thì tôi cũng chẳng còn sống”; hay “khi đó tôi sẽ trèo lên núi để tránh nước”…

Trong khi cả thế giới đang xôn xao về các hiện tượng biến đổi khí hậu thì người dân nghèo ở nhiều nơi lại không hề hay biết về vấn đề này, trong khi chính họ là đối tượng sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Đồng bằng sông Mê Kông chính là nơi giúp cho Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan, nhưng khi nước biển dâng cao, nhiều người dân sẽ bị mất nhà cửa, ruộng đồng và kế sinh nhai. Không những thế, sự xâm nhập của nước biển còn ảnh hưởng đến nguồn nước và chất lượng đất.

Thêm vào đó, nhiệt độ tăng còn làm giảm năng suất vụ mùa, gây nhiều bệnh tật và hạn hán, lũ lụt. Như tôi thấy, mặc dù không nhận ra mối hiểm họa này nhưng người dân trong vùng cũng đã có những biện pháp đối phó trước mắt như đắp đê cao từ 1,2m lên 1,5m để ngăn nước biển tràn qua.

Theo nghiên cứu của ngân hàng Thế Giới, Việt Nam với hơn 3000 km đường biển sẽ là một trong nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, toàn bộ khu vực miền Nam Việt Nam với diện tích gần 40.000 km2 có thể sẽ bị ngập trong nước khi mực nước biển dâng cao. Các quan chức ở khu vực này cho biết họ có nghe nói về vấn đề biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao nhưng họ nghĩ rằng đó là thông tin không chính xác.

Trung bình mỗi năm mực nước biển tăng thêm 3,1mm kể từ năm 1991 và vẫn đang tiếp tục tăng do nhiệt độ lên cao làm băng tuyết tan chảy.

Ở Việt Nam, đã có nhiều kiến nghị về vấn đề này lên trung ương nhưng giải pháp vẫn … còn phải chờ đợi. Hiện nay, nhiều tổ chức phi chính phủ đang hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức cũng như thực hiện các biện pháp khắc phục, đối phó với biến đổi khí hậu. Khí hậu trái đất vẫn tiếp tục biến đổi phức tạp và người dân Việt Nam nên nhận thức rõ ràng cũng như có thái độ chủ động trong vấn đề này.