Quảng Nam: Báo động ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống

ThienNhien.Net – Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2007, các làng nghề truyền thống của địa phương đã đạt doanh thu hơn 200 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh sự phát triển đáng mừng này, kết quả khảo sát mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam cũng cho thấy, hiện kết cấu hạ tầng, qui hoạch tại các làng nghề truyền thống của địa phương còn nhiều bất cập và chưa đạt các tiêu chuẩn như qui định. Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao trước sự phát triển ồ ạt. Trong khi đó, các giải pháp về hạn chế nguy cơ ô nhiễm tại đây lại tỏ ra kém hiệu quả.

Dạo một vòng qua làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) dễ thấy không khí làm việc hối hả của các thợ dệt và những hộ dân trồng dâu nuôi tằm. Duy Xuyên là vùng đất có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa từ lâu đời và hiện thu hút khá nhiều lao động địa phương. Nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của địa phương không ngừng phát triển và hiện đang thu hút du khách bằng những tuor du lịch làng quê. Hằng năm nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở Duy Xuyên đã cho doanh thu tiền tỷ trên vùng đất mang biệt danh là “tàm tang” này. Riêng ở làng nghề ươm tơ dệt lụa Mã Châu, Thi Lai, Duy Trinh (Duy Xuyên) đã phát triển lên đến 5.000 khung dệt các loại.

Thế nhưng, một thực tế đáng lo ngại là các xưởng sản xuất ở đây nằm xen kẽ với khu dân cư, dẫn đến khói bụi, tiếng ồn làm ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, sinh hoạt của cư dân địa phương. Chị Nguyễn Thị Tám, một người dân sống gần khu vực làng nghề cho biết: Hằng ngày tiếng ồn phát ra từ các khung dệt không ai chịu nổi. Mặt khác, hệ thống thu gom, xử lý chất thải tại các làng nghề này hầu như chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đang gây ra tình trạng ô nhiễm nặng môi trường đất, nước, không khí.

 
langnghe
Những khung dệt cũ kỹ ở làng nghề truyền thống Mã Châu (huyện Duy Xuyên) gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.


Cùng thực trạng với làng nghề truyền thống Thi Lai, Mã Châu, tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề khác trên địa bàn Quảng Nam cũng đang gây nhiều bức xúc cho người dân xung quanh. Phần lớn các cơ sở này chưa có hệ thống thoát nước thải, trang thiết bị lạc hậu, sản xuất theo kiểu thủ công. Mặc khác, người lao động chưa có ý thức cao về an toàn, vệ sinh lao động. Kết quả phân tích môi trường tại các làng nghề ươm tơ dệt lụa, sản xuất bún, mây tre đan, đúc đồng ở các địa phương như Duy Xuyên, Hội An, Điện Bàn (Quảng Nam) cho thấy, các chỉ tiêu đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép loại C (theo TCVN 5945-1995) như hàm lượng BOD5, COD, Coliform… vượt quá tiêu chuẩn nhiều lần. Nhiều làng nghề như: Dệt Duy Xuyên, đúc đồng Phước Kiều, nước mắm Cừa Khe, gốm Thanh Hà… đang phát triển mạnh nhưng chủ yếu trong phạm vi gia đình, làng xóm, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề là rất lớn.

Từ thực tế nêu trên, bài toán về đầu tư khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống đi đôi với việc bảo đảm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sống đang đặt ra nhiều vấn đề hết sức nan giải, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương và cả người dân của các làng nghề. Gần đây, nhiều nỗ lực hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường của chính quyền địa phương đã được thực hiện như nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người lao động cũng như kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm. Song, các biện pháp này tỏ ra kém hiệu quả khi chưa được thực thi một cách đồng bộ. Cạnh đó, thực trạng các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam chưa được qui hoạch một cách bài bản nên rất khó khăn cho việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải.

Có ý kiến cho rằng, nếu chỉ tập trung đầu tư khôi phục các làng nghề như hiện nay mà không gắn với công tác bảo vệ và triển khai các biện pháp hiệu quả  xử lý ô nhiễm môi thì khó có thể đảm bảo cho một tương lai phát triển bền vững các làng nghề truyền thống trên địa bàn Quảng Nam.