Đắc Lắc: Bảo vệ tốt rừng lưu vực sông Sê Rê Pốc

Sê Rê Pốc là con sông lớn nhất Nam Tây Nguyên có lưu vực rộng thuộc địa bàn nhiều huyện Lắc, Krông Bông, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea H’leo, Ea Súp, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và các huyện Krông Nô, Chư Jut (Đắk Nông). Sông chảy về phía Tây Bắc và đổ ra sông Mê Kông. Đây là con sông có khả năng tạo ra nguồn thủy năng lớn, cung cấp nguồn nước phục vụ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và giải quyết một phần nước sinh hoạt cho cư dân sinh sống trên địa bàn.

Trên cơ sở quy hoạch kinh tế toàn vùng, từ thượng lưu đến trung lưu sông Sê Rê Pốc sẽ xây dựng các công trình thủy điện hạng vừa và nhỏ với tổng công suất thiết kế trên 700 mêgaoát (MW), cung cấp lượng điện cho quốc gia. Từ măm 1990 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng công trình thủy điện Đray H’linh 1 (12 MW), Thủy điện Đray H’linh 2 (18 MW), Thủy điện Buôn Kuốp (280 MW) Thủy điện Buôn Tuar Srah (86 MW), Thủy điện Sê Rê Pốc 3 (220 MW) và Thủy điện Sê Rê Pốc 4 ( 80 MW).

Trên những đoạn sông Sê Rê Pốc hình thành nhiều thác nước và 2 bên bờ sông có những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp với cảnh quan đẹp, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Đáng tiếc rằng, trong nhiều năm qua, rừng hai bên sông và những vùng thuộc lưu vực con sông này bị chặt phá.

Nhiều khu rừng rậm rạp đã bị “cạo trọc“, nhanh chóng trở thành đất canh tác và vùng đất trống trơ sỏi đá. Trong đó, không ít diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng các khu bảo tồn thiên nhiên nơi thượng lưu sông Sê Rê Pốc bị chặt phá, làm cho độ che phủ rừng giảm, ảnh hưởng môi trường sinh thái và gây nên sự biến động dòng chảy các con suối.

Thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar (Lắk, Đắk Lắk), Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (huyện Krông Nô, Đắk Nông) vẫn tiếp tục bị tàn phá, đã ảnh hưởng xấu đến thảm thực vật rừng đầu nguồn. Nhiều ngọn núi và quả đồi gần kề các công trình thủy điện Đray H’linh, Buôn Kuốp, Buôn Tuar Sah, Sê Rê Pốc 3, Sê Rê Pốc 4 và những cánh rừng bên cạnh những thắng cảnh thác Đay Sáp, thác Trinh Nữ bị chặt phá quá nhiều.

Hiện nay, tình trạng phá rừng những khu vực gần công trình thủy điện vẫn diễn ra, đang đe dọa sinh thái và nguồn nước trong vùng. Trên vùng đất rộng lớn ở huyện Buôn Đôn, nhiều diện tích rừng khộp cây họ dầu vẫn bị chặt phá, đang biến thành vùng đất trống đồi núi trọc, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và làm hạ thấp mực nước ngầm của toàn khu vực trong những tháng mùa khô, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt của cư dân trong vùng.

Việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng lưu vực sông Sê Rê Pốc đối với các tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông là vấn đề cấp bách. Trong những năm qua, các địa phương đã tập trung trồng lại rừng trên những vùng đất trống theo chương trình trồng 5 triệu hecta rừng của quốc gia, nhằm nâng cao độ che phủ rừng; đồng thời tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đặc dụng vùng lưu vực sông Sê Rê Pốc.