Tiếng thét của những dòng sông quê ngắc ngoải

Những dòng sông, rặng tre, đồng lúa, bờ đê đã trở thành những biểu tượng cho sự yên bình, trong lành của nông thôn Việt Nam. Nhưng tiếc thay, sự phát triển kinh tế quá nhanh mà không chú ý đến bảo vệ môi trường và cảnh quan đã khiến cho những biểu tượng đó đang dần bị tàn phá. Những dòng sông “nước gương trong soi tóc những hàng tre” như trong thơ Tế Hanh không còn nữa, những dòng sông – biểu tượng của những miền quê Việt Nam đang chết vì ô nhiễm môi trường.

Những con sông xanh đang dần trở thành những dòng sông chết

Với những dòng sông ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng bị ô nhiễm nặng nề là điều dễ dàng nhận thấy qua thực tế cũng như qua sự phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ vậy thường được sự quan tâm của nhà nước, của cộng đồng dân cư và các tổ chức nước ngoài.

Tuy nhiên, với các dòng sông ở nông thôn, tình trạng ô nhiễm không được nhắc đến nhiều. Người thành phố ít có dịp về nông thôn vẫn ảo tưởng về những vùng quê với những con sông xanh biếc, những bãi mía, nương dâu. Thế nhưng, có đi thực tế mới thấy, sông ở nhiều vùng nông thôn cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề do rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề, rác thải nông nghiệp và rác thải từ các khu công nghiệp vẫn đang từng ngày, từng giờ đổ xuống.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tháng 04/2007, có đến 70% các dòng sông đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm trong đó nặng nề nhất là hệ thống 3 sông: sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy và sông Đồng Nai. Những con sông này đã trở nên hôi thối, độc hại, nguồn thuỷ sản bị huỷ hoại và ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống và sức khoẻ của cộng đồng. Các tỉnh liên quan tới lưu vực sông Cầu gồm Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội.

Hiện nay, mỗi năm sông Cầu phải tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hóa học và 1.500 tấn thuốc trừ sâu từ sản xuất nông nghiệp. Có 800 cơ sở sản xuất công nghiệp, 200 làng nghề và 1200 cơ sở y tế trong khu vực có mật độ dân số lên đến 427 người/km2, cao gấp đôi mật độ dân số trung bình trong cả nước. Rác thải tử sản xuất nông nghiệp và rác thải sinh hoạt của người dân là một trong những thủ phạm chính gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở lưu vực sông Cầu.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cũng góp phần gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nước thải của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ giữa thành phố Thái Nguyên xả thẳng vào các nhánh nhỏ đổ ra sông Cầu mang theo các chất vô cơ, xơ sợi khó lắng và độ kiềm cao. Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên cũng đổ vào sông Cầu một lưu lượng khoảng 1,3 triệu m3/năm nước thải với những chất độc hại như dầu mỡ, phenol và xianua.

 
…đến những dòng sông dày đặc rác thải…

Lưu vực sông Nhuệ – Đáy, tình hình cũng không khả quan hơn. Mật độ dân số sống ở ven hai dòng sông này là 874 người/km2, gấp đôi cả lưu vực sông Cầu. Hệ thống sông Nhuệ – Đáy còn bị nước thải đô thị và các khu công nghiệp, các làng nghề xối thẳng trực tiếp xuống dòng sông. Đây cũng là khu vực có số lượng làng nghề vào loại cao nhất nước lên tới trên 458 đơn vị.

Bên cạnh đó là hơn 4.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 1.400 cơ sở y tế của các tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định. Cũng theo báo cáo này của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại lưu vực sông Nhuệ – Đáy, mọi thông số đo được đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Các con sông khác thuộc lưu vực này như sông Châu Giang, sông Tích, sông Hoàng Long, sông Đào đều bị ô nhiễm.

Ở phía Nam, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Hệ thống sông Đồng Nai ảnh hưởng đến Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An với mật độ dân số 269 người/km2 và có tới hơn 9.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 491 làng nghề và 1.633 cơ sở y tế. Do hệ thống sông Đồng Nai trải rộng trên nhiều tỉnh nên chịu tác động từ nhiều nguồn khác nhau. Phần hạ lưu của nhiều sông trong lưu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí có đoạn trở thành sông chết.

Các con sông khác như sông Bé, Đa Nhim – Đa Dung, Vàm Cỏ và nước ở các ao hồ, kênh rạch trên lưu vực… đều bị ô nhiễm nặng. Tác nhân chính gây ô nhiễm nước trong lưu vực là nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các dòng sông ở phía Nam còn chịu thêm nguồn ô nhiễm từ việc nuôi trồng thủy sản. Hầu hết chất thải từ việc nuôi trồng thủy sản đều đổ trực tiếp ra sông. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc cho thủy sản cũng như các nguồn bệnh từ thủy sản chết được người dân thải ra cũng gây ra tình trạng ô nhiêm nặng nề ở khu vực này.

Không riêng gì hệ thống sông Đồng Nai ở Đông Nam bộ, hệ thống sông Tiền và sông Hậu ở Tây Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị ô nhiễm nặng từ khoảng 2 triệu tấn phân hóa học gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, gây ra sự tồn dư hóa chất độc hại, ngày đêm ngấm vào lòng đất hoặc tuôn chảy ra sông rạch một cách vô tội vạ.

Ở nông thôn Việt Nam, ô nhiễm nguồn nước đang ở trong tình trạng báo động, trầm trọng nhất là ở các làng nghề. Kết quả điều tra, khảo sát gần đây của Bộ Khoa học – Công nghệ cho thấy: 100% mẫu nước thải đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Các chỉ số chất cặn lắng, hòa tan, vi sinh vật tại các sông rạch cũng đều cao hơn từ 2 đến 3 lần, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Cứu những dòng sông hay tự cứu mình?

Cục Y tế dự phòng Việt Nam đưa ra khuyến cáo: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta đã gia tăng tới mức độ đáng lo ngại. Theo đánh giá của các chuyên gia, chất thải công nghiệp và chất thải y tế đổ ra sông là hiểm họa khôn lường, nhất là đối với cư dân ở gần khu công nghiệp, bãi rác, ao tù và nơi chôn lấp chất thải. Các loại bệnh như: đau mắt, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… phần lớn đều xuất phát từ đây.

Tình trạng ô nhiễm nước sông, nước ngầm do hoạt động của con người ngày càng gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhất là các loại thuốc trừ sâu và hóa chất, các chất hữu cơ, các vi sinh vật gây bệnh. Đáng chú ý nhất là các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra bệnh tả, lỵ, thương hàn… một số kim loại còn có khả năng gây ra bệnh ung thư. Trong ngày Nước thế giới 22/03/2007, Tổ chức UNESCO đã đưa ra một con số khiến cho chúng ta không thể không giật mình: Mỗi ngày có khoảng 14.000 người chết vì các bệnh do thiếu nước sạch và nhà vệ sinh. Đó chính là những con số biết nói.

Một chuyên gia môi trường Italia, trong một chuyến du lịch ở Việt Nam đã phải thốt lên: “Chúng tôi ghen tị với các bạn. Thiên nhiên đã ưu đãi dành tặng cho các bạn rất nhiều dòng sông và ở Italia, chúng tôi có nằm mơ, cũng không thể thấy được. Thế nhưng, tôi thấy các bạn chưa thật sự biết trân trọng những gì tạo hóa đã ban cho mình, các bạn chưa biết trân trọng những dòng sông”.

 
…và những dòng sông xanh trong mơ ước.

Quả thật, nhìn vào tình trạng ô nhiễm của những dòng sông không chỉ riêng ở nông thôn mà còn trên toàn bộ đất nước, chúng ta không thể không cảm thấy xấu hổ. Chính con người – chứ không phải ai khác đang tự hủy diệt cuộc sống của mình. Chúng ta đối xử với những dòng sông thô bạo như thế nào thì hãy nhìn vào luật nhân quả, hãy nhìn vào những gì thiên nhiên giáng trả xuống con người: Đó là những làng ung thư, là những bệnh nan y mà chính con người đang phải gánh chịu. Và đương nhiên, nếu không sớm tỉnh ngộ, sẽ còn nhiều làng ung thư, làng bệnh tật nữa mọc lên để đáp lại sự vô tâm của con người đối với thiên nhiên.

Đã nhiều năm nay, chúng ta kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ những dòng sông thế nhưng những dòng sông vẫn đang hấp hối, đang kêu than thảm thiết vì ô nhiễm. Khi ngồi đọc những dòng thông tin khô cứng với những con số về tình trạng ô nhiễm của những dòng sông, thực sự hoảng hốt khi nghĩ về tương lai, về những đứa trẻ sẽ sinh ra và lớn lên sau này. Chúng sẽ là những người phải gánh chịu hậu quả. Nếu như tất cả các dòng sông đều chết, vậy miền cổ tích nào sẽ chảy qua kí ức tuổi thơ của chúng như chính những con sông đã tắm mát tâm hồn của thế hệ chúng ta? Và nếu căn bệnh khủng khiếp do các chất hóa học, do ô nhiễm gây ra, thì ai sẽ là người bồi thường cho chúng ta, liệu có phiên tòa nào xét xử được quá khứ? Tôi rùng mình khi nghĩ tới những điều đó.

Khi nghe Francesca – một người Italia hào hứng kể về những dòng sông trên đất nước của anh: “Ở thành phố tôi sống bên Italia, không có nhiều sông như ở đây. Chỉ có một con sông nhỏ nhưng chúng tôi rất yêu nó. Mọi người rất có ý thức trong việc bảo vệ dòng sông. Họ sống ở hai bên bờ, có những cây cầu đẹp vắt ngang qua dòng sông với những chiếc thuyền du lịch nhỏ chạy bên dưới. Những đàn chim thì bay lượn suốt cả ngày ở nơi sông chảy ra biển. Tôi chỉ ước nơi mình sống có nhiều sông như đất nước các bạn”.

Nhưng bạn có biết rằng, chúng tôi mới là những người phải ghen tị với các bạn.