Mô hình sản xuất muối mới ở Sa Huỳnh

Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) một địa danh nổi tiếng về sản xuất muối ăn của miền Trung. Thế nhưng, sản xuất muối hiện nay ở Sa Huỳnh cũng như các vùng muối khác vẫn theo tập quán cũ, năng suất, chất lượng không cao; chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng và chế biến công nghiệp.

Chính vì vậy mà tỉnh Quảng Ngãi đã có quy hoạch phát triển ngành muối ở Sa Huỳnh đến năm 2010 phải đạt diện tích sản xuất 140 ha (mở rộng thêm 30 ha so với hiện nay), năng suất bình quân đạt 85 tấn/ha/năm, sản lượng muối toàn vùng: 11.900 tấn/năm, đảm bảo các chỉ tiêu về tiêu chuẩn Việt Nam- TCVN 5647- 1992.

Với những định hướng và thực trạng đồng muối Sa Huỳnh, với kết quả đạt được trong năm 2006, năm 2007, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục đầu tư mô hình kết tinh muối sạch trên nền ximent chịu mặn tại đồng muối Sa Huỳnh để đánh giá, xác định năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của kỹ thuật sản xuất này, làm cơ sở để nhân rộng mô hình ra sản xuất đại trà. Mô hình thực hiện theo qui trình “kỹ thuật kết tinh muối sạch trên nền xi măng chịu mặn” của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi ban hành. Qui trình sản xuất giống phương pháp sản xuất truyền thống nhưng chỉ khác nền kết tinh.

Nền ô kết tinh được đúc bê tông theo mác 300, với xi măng chịu mặn. Tổng kinh phí đầu tư 45,7 triệu đồng; trong đó ngân sách hỗ trợ 32,7 triệu đồng, vốn dân đầu tư 13 triệu đồng. Diện tích thực hiện 600m2, với 2 hộ tham gia. Trung tâm Khuyến nông đã cung cấp đủ số lượng các loại vật liệu xây dựng đảm bảo chất lượng để xây dựng mô hình đúng theo yêu cầu chương trình (đầu tư, hỗ trợ 100% vật liệu xây dựng) và cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, chỉ đạo mô hình. Khi nhận các loại vật tư trên các hộ diêm dân đã tiến hành xây lắp mô hình đúng theo qui trình kỹ thuật và đảm bảo diện tích theo kế hoạch (300m2/hộ x 2 hộ).

Bên cạnh các loại vật tư Nhà nước đầu tư, các hộ diêm dân phải mua thêm vật liệu để xây lắp bờ. Thực tế cho thấy, trong xây lắp mô hình hộ đổ thẳng trên mặt ruộng đạt yêu cầu hơn hộ đổ tấm (50 x 50 x 5cm) rồi sau đó đem ra ruộng lắp ráp. Khó khăn của mô hình là phải xây dựng ô kết tinh nên đưa vào sản xuất muộn, cuối vụ sản xuất thời tiết thường hay mưa.

Kết quả, năng suất ô kết tinh trong mô hình bình quân đạt 31,85kg/m2, tương đương 53,1tấn/h (tính 1ha thì nhân với 1667(m2), theo tỉ lệ 1/6: 1m2 ô kết tinh cần 5m2 chứa nước biển, lạt, mặn) tăng >40% so với năng suất ô kết tinh ngoài đại trà 22,25 kg/m2 (37,1 tấn/ha) trong cùng điều kiện. Nếu thời gian sản xuất đủ 4 tháng trong năm thì năng suất trong mô hình đạt 106tấn/ha, năng suất ngoài mô hình (Đ/C) đạt 74,2tấn/ha. Chi xây mới ô kết tinh bình quân 72.000 đồng/m2.

Trong mô hình, tính trừ khấu hao (14.400đồng/m2) thì năm đầu hoà vốn chứ chưa lãi, ngoài mô hình lãi bình quân 3.860,5 đồng/m2. Nhưng muối trong mô hình ngoài việc tăng về năng suất và sản lượng (>40%), còn tăng về giá (725đồng/kg), hơn khoảng 30% so với muối đại trà (550đồng/kg). Trong điều kiện sản xuất bình thường như hiện nay, trong 5 năm đầu (trừ năm 1) ngoài việc tính khấu hao để thu hồi vốn, hàng năm bà con diêm dân còn thu lãi đều cao gấp 1,5 lần so với sản xuất đại trà.
Còn nếu đưa lãi vào phần thu hồi vốn thì 2,5 năm sẽ thu hồi vốn. Hiệu quả mang lại từ mô hình rất cao; điển hình hộ ông Vỏ Sẳn ở tại thôn Tân Diêm sau 1 năm xây lắp và sản xuất ½ thời gian trong năm đã thu 7,1 triệu đồng/300m2 ô kết tinh (39,5 triệu đồng/ha), trong khi đó cũng ruộng muối liền kề nhưng sản xuất theo tập quán cũ chỉ thu được 2,36 triệu đồng/187m2 ô kết tinh (21,1 triệu đồng/ha).

Mô hình là nơi để diêm dân trong vùng và các vùng khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm và tiến tới nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh. Nhưng, điều kiện kinh tế hiện nay của bà con diêm dân còn khó khăn nhiều, việc bỏ vốn ra đầu tư ô kết tinh muối là việc làm hết sức khó khăn. Nếu được nhà nước hỗ trợ, đầu tư vốn mở rộng mô hình, xoá bỏ tập quán sản xuất cũ thì hy vọng trong một thời gian không xa, trên đồng muối Sa Huỳnh không còn cảnh bà con diêm dân phải còng lưng rải cát, đầm nện mà họ chỉ việc cào những hạt muối to nặng và trắng tinh.