Lưu vực sông Đồng Nai: Ô nhiễm đã đến mức báo động

Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai trải rộng trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố. Phần hạ lưu của nhiều con sông trong lưu vực đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhiều đoạn sông trong khu vực đã trở thành “sông chết”. Nạn ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống dọc theo lưu vực. Ô nhiễm nhất trong lưu vực là sông Thị Vải với một đoạn sông dài trên 10km. Ngày 26/02/2008, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã chủ trì một hội nghị cấp khu vực bàn về việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.

Báo cáo của ông Hoàng Dương Tùng, Trung tâm Quan trắc Bộ Tài nguyên Môi trường, đưa ra trong buổi hội thảo triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sáng 26/02, cho biết trong những năm gần đây, tỉ lệ người dân mắc các bệnh liên quan đến nước tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn tương đối cao.

Theo đó, tại tỉnh Bình Dương (lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn), người dân thuộc các huyện sống gần sông Sài Gòn như Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên mắc bệnh lị và tiêu chảy cao hơn rất nhiều so với các huyện không chịu ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm nước sông.

Là một trong những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về môi trường, đồng thời cũng là một trong những nhà khoa học có nhiều tâm huyết và thời gian nghiên cứu về lưu vực con sông này, Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá đã phát biểu trước hội nghị với tâm trạng hoài nghi: “Liệu hội nghị giải quyết được vấn đề gì khi mà cách đây 10 năm, chúng tôi đã liên tục cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường ở lưu vực sông Đồng Nai song không được phản hồi đúng mức”.

Điều gì làm một nhà khoa học như ông lại băn khoăn như vậy?

Lưu vực sông Đồng Nai đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đất thì bị thoái hóa, xói mòn trầm trọng ở nhiều nơi như Long Khánh, Đức Trọng…, đặc biệt đất đỏ bazan, đất xám phù sa cổ đã có biểu hiện mất chất màu. Không ít vùng ở phía thượng lưu, đất đã bị cuốn trôi, trồi, trượt và nứt thành những rãnh lớn rất nguy hiểm. Ở hạ lưu, đất đã bị lở bờ. Nước ở thượng nguồn còn tương đối tốt song phía hạ nguồn đã bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải công nghiệp chưa được xử lý đúng mức, thải ra.

Trong đó, sông Sài Gòn đã bị ô nhiễm đến mức báo động. Sông Thị Vải đã chết hoàn toàn. Sông Chợ Đệm, Thầy Cai cũng không khỏe… Đất và nước bị ô nhiễm thì cây trồng làm sao khỏe? Hiện nhiều loại cây ở đây cũng đã bị thoái hóa, năng suất, chất lượng kém. Đó là chưa kể đến một thực tế, chúng ta đã mất rất nhiều rừng do nạn chặt phá rừng chưa ngăn chặn được như mong muốn. Đất không có rừng, có cây làm thảm phủ giữ nước thì sẽ không giữ được nước, gây khô hạn vào mùa khô và lũ vào mùa mưa. Tất cả những vấn đề ấy đang ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người dân trong lưu vực.

Cách đây khoảng 10 năm, chúng tôi đã cảnh báo điều này. Nhiều cuộc họp bàn về lưu vực sông Đồng Nai đã được tổ chức. Thế nhưng… hầu như chưa giải quyết được vấn đề gì. Lưu vực sông Đồng Nai là một lưu vực lớn, đi qua nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM… Đáng lẽ các địa phương này phải “ngồi lại với nhau” để cùng bảo vệ môi trường sống của chính mình thì không hiểu vì lý do gì mà “không anh nào chịu anh nào”.

Trong khi đó, ngành chức năng lại không có một chính sách thích hợp để gắn kết các địa phương này lại, buộc họ có những quan tâm thích đáng đến vấn đề bảo vệ môi trường chung. Căn bệnh đã rõ ràng như thế, mọi người đều biết song cảnh báo hoài mà chẳng thấy được quan tâm giải quyết… Những nhà khoa học như tôi làm sao không băn khoăn cho được.

Dường như ngành chức năng cũng đã có những chuyển biến đáng kể trong việc bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai. Bằng chứng là vừa rồi Chính phủ đã có quyết định thành lập Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai. Và Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã chủ trì một hội nghị bàn về việc này.

Nếu có được các giải pháp rõ ràng, cụ thể để bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai thì tốt quá. Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý rằng: bảo vệ lưu vực sông không phải chỉ bảo vệ nguồn nước mà phải quan tâm, bảo vệ tất cả các vấn đề về đất, động thực vật trong đó có cả con người. Và điều quan trọng hơn cả là Nhà nước phải có lời giải chung cho bài toán tổng hợp về môi trường, kinh tế – xã hội chứ không nên tách lẻ, giải quyết từng việc.

Thời gian qua, một số địa phương cũng có nỗ lực giải quyết các vấn đề về môi trường nhưng vì giải quyết theo kiểu lẻ mẻ nên kết quả không đến đâu. Chính phủ nên có một tổ chức thực sự có quyền lực để điều phối công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Không nên áp dụng hình thức: các tỉnh luân phiên chủ trì vì mô hình này không hiệu quả.

Như vậy, theo ông, cần có một giải pháp mạnh mẽ, cương quyết và đúng đắn hơn nữa thì mới giải quyết được vấn đề ô nhiễm cho lưu vực sông Đồng Nai?

Đúng vậy, nhất là khi quá trình tự làm sạch của các sông trong khu vực rất kém. Vùng giáp nước của nhiều sông trong khu vực (vùng giao giữa dòng nước chảy xuôi từ thượng nguồn xuống với dòng nước chảy ngược lên do ảnh hưởng của thủy triều) rất rộng. Tại đây, tốc độ nước chảy rất chậm, các chất thải không trôi đi được mà lắng đọng lại. Nước bị ô nhiễm, các loại thủy sản cũng sẽ bị ô nhiễm theo. Cây cối, rau xanh được tưới bằng nước này cũng sẽ bị ô nhiễm. Rồi con người sử dụng cá, rau xanh… làm thực phẩm cũng sẽ bị nhiễm độc. Một vòng tròn luẩn quẩn!

Cục Bảo vệ môi trường cũng đưa ra cảnh báo: Hiện đang tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh trong cộng đồng do ảnh hưởng của kim loại nặng và hóa chất bảo vệ thực vật trong nước mặt. Theo chuỗi thức ăn, các chất độc hại sẽ tích lũy trong thực phẩm (rau, cá…) rồi chuyển hóa và tích tụ lâu dài trong cơ thể con người. Mặc dù hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước mặt nhìn chung vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng nếu không quản lý hiệu quả và hạn chế việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật một cách tràn lan; kiểm soát các nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp thì nguy cơ ô nhiễm các bệnh trên sẽ còn rất cao.