Đăk Nông trước bài toán hậu khai khoáng Bô-xít

ThienNhien.Net – Phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là nhiệm vụ chung của tất cả các tỉnh, ngành trong cả nước, đồng thời phải đảm bảo được sự cân đối hài hòa giữa yếu tố môi trường tự nhiên và các vấn đề kinh tế, văn hóa và xã hội. Đăk Nông hiện đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hậu khai khoáng bô-xít, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường tự nhiên.

Khai khoáng Bô-xít – Tiềm năng lớn
 
Nằm ở độ cao khoảng 500 – 700m so với mặt nước biển, toàn tỉnh Đăk Nông có hơn 300 ngàn ha rừng với nhiều loại lâm sản quý hiếm. Nhưng Đăk Nông còn được biết tới nhờ có trữ lượng bô-xít rất lớn với 3,4 tỷ tấn quặng nguyên khai, chiếm 2/3 trữ lượng cả nước và hơn 91% trữ lượng của cả vùng Tây Nguyên.

 Tỷ trọng phân bố trữ lượng bô-xít Việt Nam theo vùng:
 
tai nguyen boxit
 (Nguồn: Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam – TKV)

Toàn tỉnh Đăk Nông có 7 mỏ bô-xít lớn, gồm: “1-5”, Nhân Cơ, Quảng Sơn, Tuy Đức, Đăk Song, Bắc Gia Nghĩa và Gia Nghĩa II với chất lượng tốt.
Ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết, vì có rất nhiều quặng chỉ nằm sâu dưới mặt đất từ 0,5 – 3m nên các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê rất khó phát triển. Chính vì vậy, Đăk Nông đã xác định ngành công nghiệp bô-xít/nhôm sẽ là ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Theo “Phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô-xít giai đoạn 2007 – 2015, có xét đến năm 2025” (Quyết định 167/2007/QĐ-TTg), Đăk Nông dự kiến hình thành bốn tổ hợp công nghiệp bô-xít/nhôm với tổng công suất lên tới 44 – 68 triệu tấn bô-xít thô/năm. Như vậy, trong những năm tới, Đăk Nông sẽ trở thành một “đại công trường” của ngành công nghiệp bô-xít với diện tích khai thác quặng lên đến hàng trăm km2 dải khắp địa bàn 5/8 huyện.
 
Hiện nay đã có 5 tập đoàn lớn đầu tư vốn vào dự án, gồm Chalco (Trung Quốc), BHP (Australia), Alcoal (Mỹ), Rusal (Nga) và Than khoáng sản Việt Nam (TKV).

TKV đã xây dựng nhà máy tuyển quặng bô-xít và sản xuất alumin Nhân Cơ công suất 300.000 tấn alumin/năm (có khả năng mở rộng lên 600.000 tấn/năm) tại xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp, đồng thời tiến hành thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ bô-xít Gia Nghĩa II và Chalco lập BCNV tiền khả thi dự án bô-xít/alumin tại mỏ “1-5” và mỏ Quảng Sơn công suất 1,9 triệu tấn alumin/năm với tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỉ USD.

… Ẩn chứa nhiều nguy cơ cho môi trường

Tuy có một lộ trình phát triển đầy tham vọng như vậy và mặc dù tác động tiêu cực từ dự án khai thác bô-xít tới môi trường là nhãn tiền nhưng tỉnh Đăk Nông cũng như các nhà đầu tư vẫn chưa đưa ra được các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực từ dự án  đến kinh tế, văn hoá, xã hội và đặc biệt là môi trường tự nhiên của người dân bản địa.

Gần đây, UBND tỉnh tổ chức một cuộc Toạ đàm khoa học với sự góp mặt của một số tờ báo, cơ quan tư vấn và các nhà khoa học nhằm tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhất giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ khai khoáng bô-xít.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Trưởng ban kiêm Giám đốc điều hành dự án phát triển bể than đồng bằng Bắc Bộ thuộc TKV cho biết trong thập niên 80 của thế kỷ trước, Chính phủ đã nhiều lần đưa dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên của COMECON (Hội đồng tương trợ kinh tế của các nước thuộc hệ thống XHCH những năm 1949 – 1991, Việt Nam gia nhập năm 1978).

Các nước thành viên của COMECON, đặc biệt là Liên Xô, khi ấy rất thiếu quặng bô-xít phục vụ công nghiệp quốc phòng, nhưng sau đó họ đã quyết định không triển khai dự án này nữa mà thay vào đó là hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án về cao su, cà phê và chè do lo ngại việc khai khoáng sẽ có những ảnh hưởng rất lớn đến môi trường tự nhiên. Theo nghiên cứu của họ thì các tác động tiêu cực sẽ diễn ra trên nhiều mặt:

Về môi trường, khai thác bô-xít sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vùng đất bazan ở đây, do đó không thể phát triển được các loại cây công nghiệp. Toàn vùng Tây Nguyên là một miền đất đỏ bazan màu mỡ có tính chất cơ lý tốt, kết cấu viên cục, độ xốp bình quân 62 – 65%, khả năng giữ nước và hấp thu dinh dưỡng cao… rất thích hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu… và nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày khác. Đây là một lợi thế rất quan trọng về điều kiện phát triển nông nghiệp của Tây Nguyên. Tuy nhiên, nếu khai thác bô-xít thì toàn bộ lớp đất bề mặt của cả vùng sẽ bị bóc trần lên để lấy quặng. Cộng với mưa lũ sẽ đẩy phần đất màu mỡ này trôi xuống vùng hạ lưu theo các sông, suối; còn lại là lớp đất đá không chất dinh dưỡng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong vùng.

Về sinh thái, khai thác bô-xít sẽ ảnh hưởng xấu đến khí hậu của toàn vùng Nam Trung Bộ; khí hậu sẽ khô nóng, hạn hán sẽ kéo dài, lũ lụt thường xuyên xẩy ra hơn, kèm theo đó là việc mất đi lớp đất đỏ bazan và thảm thực vật hiện có. Hậu quả nữa là, trong quá trình khai khoáng sẽ làm gia tăng hiệu ứng nhà kính và tạo ra chất thải Cathod không phân huỷ, một độc chất rất có hại cho sức khỏe con người cũng như các loại cây trồng.

Về kỹ thuật, không thể lưu giữ một khối lượng khổng lồ bùn đỏ trên Tây Nguyên ở độ cao trung bình như thế; không thể tổ chức tuyển quặng bô-xít tại chỗ trên vùng cao nguyên. Việc vận chuyển quặng nguyên khai đi tuyển ở nơi khác là không hiệu quả bởi chi phí và những biện pháp kỹ thuật cho việc vận chuyển và xử lý là rất cao.

Về kinh tế, cứ khai thác 1 tấn bô-xít ở Tây Nguyên sẽ mất đi 1 tấn lúa ở các tỉnh Nam Trung Bộ (bao gồm Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung). Vùng đồng bằng Duyên hải, vựa lúa của Nam Trung Bộ chính là nơi sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất từ những đợt lũ lụt hay lũ bùn đổ từ Tây Nguyên xuống. Nếu căn cứ vào so sánh trên thì chỉ riêng khai thác ở Đăk Nông, với 1,5 tỷ tấn bô-xít tuyển thì nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ sẽ phải mất tới 1,5 tỷ tấn lúa. Với mức giá hiện nay (3.700 – 3.800 đồng/kg lúa thường), ước lượng tổng thiệt hại về lúa vào khoảng 5.550 – 5.700 tỷ đồng.

Ông Sơn đặc biệt cảnh báo nguy cơ ô nhiễm cao đối với bùn đỏ được thải ra sau quá trình điều chế alumin với nhiều hoá chất độc hại lẫn trong đó mà hiện nay, ngay cả trên thế giới cũng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Giải pháp xây dựng hồ chứa bùn cũng không khả thi bởi những hồ chứa này sẽ đầy nhanh chóng sau khoảng 10 năm khai thác, vậy thì, một câu hỏi đặt ra là sau 10 năm đó bùn đỏ sẽ được đổ đi đâu. Hơn nữa, những hồ chứa này nằm trên độ cao hơn 700m sẽ là một hiểm hoạ khó lường cho vùng hạ lưu và thậm chí với cả khu vực nước bạn Campuchia nếu có mưa lũ xảy ra.

Ngoài nguy cơ ô nhiễm bùn đỏ, Thạc sĩ Hoàng Hữu Cải, giảng viên Khoa Lâm nghiệp thuộc Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc khai thác bô-xít sẽ dẫn đến nguy cơ mất hẳn rừng và nguy cơ ô nhiễm dòng nước. Khi đó, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân bản địa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số bởi đồng bào là những người sống gần gũi và gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã đề xuất một số giải pháp ban đầu cho vấn đề môi trường. Đề cập đến vấn đề xử lý bùn đỏ, Tiến sỹ Vũ Văn Mạnh thuộc Viện Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra ý tưởng là nên học tập kinh nghiệm và công nghệ xử lý của các nước tiên tiến đang áp dụng như Đức, Australia, Trung Quốc hoặc biến các hồ chứa này sau khi đầy thành các sân golf, sân cầu lông hay sân bóng đá,…Còn theo Giáo sư Lê Văn Khoa thì có 3 giải pháp cho vấn đề hậu khai khoáng ở Đăk Nông, đó là trồng rừng, cải tạo hồ chứa nước và tái sinh đất và nước để sử dụng.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, Đăk Nông nên tập trung vào việc trồng và phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều,… bởi giá trị của các loại cây này sẽ cao hơn nhiều so với giá trị từ khai khoáng bô-xít. Hơn nữa, khả năng sử dụng lao động tại chỗ là rất lớn và các nguy cơ đối với môi trường thì hầu như không có.

Một vấn đề rất quan trọng được các chuyên gia quan tâm hiện nay là việc áp dụng quy trình khoa học kỹ thuật và công nghệ vào quá trình khai thác, chế biến bô-xít sao cho hạn chế tối đa mức độ thiệt hại cho môi trường. Quan điểm chỉ đạo của nhà nước trong vấn đề này là  sử dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường (Quyết định 167/2007/QĐ-TTg). Đứng trên những quan điểm và lợi ích khác nhau nhưng các chuyên gia đều nhất chí  rằng nên thận trọng trong việc tiến hành khai thác bô-xít ở Đăk Nông nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.

Đặc biệt, cần xem xét đến tính hiệu quả của dự án này so với dự án trồng các loại cây công nghiệp khác, nhất là vấn đề tác động tiêu cực tới môi trường bởi những người dân bản địa chưa chắc đã được hưởng nhiều thành quả từ các dự án bô-xít mà rất có thể ngược lại, đây sẽ là một nguy cơ cho môi trường sống của chính họ hiện nay và cả sau này.