Tài nguyên VQG Chư Yang Sin trước sức ép di dân tự do

ThienNhien.Net – Di dân tự do luôn là vấn đề nan giải của các địa phương, các tỉnh đặc biệt là ở Tây Nguyên. Phần lớn dân di cư tự do là những hộ nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Khi đến địa phương họ thường sống co cụm theo từng nhóm, trong rừng sâu, không có cơ sở hạ tầng và tiến hành săn bắn theo truyền thống. Chính những việc làm đó đã tạo thành sức ép lên các nguồn tài nguyên ở các khu bảo tồn, điển hình là Vườn quốc gia (VQG) Chư Yang Sin.

VQG Chư Yang Sin được thành lập vào năm 2002, có diện tích là 59.316 ha, nằm trên hai huyện Lăk và Krông Bông của tỉnh Đăk Lăk. Vườn tiếp giáp với 14 xã vùng đệm đó là xã Yang Reh, Ea Trul, Hòa Sơn, Khuê Ngọc Điền, xã Hòa lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao huyện Krông Bông và xã Yang Tao, Bông Krang, Đăk Phơi, Krông Nô huyện Lăk; xã Đưng Knớ huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng.

Những nghiên cứu bước đầu cho thấy VQG Chư Yang Sin có thành phần các loài động thực vật rất phong phú và đa dạng, với 1078 loài thực vật bậc cao có mạch, của 155 họ và 591 chi, trong đó có 55 loài trong sách đỏ Việt nam, 26 loài trong sách đỏ thế giới, 337 loài cho gỗ, 300 loài làm thuốc, 97 loài làm thực phẩm, 288 loài làm cảnh, riêng phong lan có tới 130 loài. Các loài điển hình về thực vật có thông lá dẹt, thông Đà Lạt, kim giao núi đất, đỉnh tùng, pơ mu, thông nàng, hoàng đàn giả, bách xanh, cà te, gụ, hương…

Về động vật đến nay đã ghi nhận 648 loài, chim 220 loài, thú lớn 44 loài, thú nhỏ 31 loài, bướm ngày 224 loài, cá nước ngọt 81 loài, bò sát 29 loài, ếch nhái 19 loài. Có rất hiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ như: Voi châu Á, bò tót, hổ, nai cà tong, beo lửa, gấu ngựa, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, chà vá chân đen, vượn đen má hung, mi Langbian, khướu đầu đen má xám…. Đặc biệt, theo TS. Đặng Văn Cần – Chuyên gia động vật thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Hà Nội thì VQG Chư Yang Sin có số lượng chà vá chân đen và khỉ mặt đỏ nhiều nhất và dễ gặp nhất trong các khu rừng đặc dụng của Việt nam hiện nay.

Tuy nhiên, hệ động vật Chư Yang Sin đang bị đe dọa rất nghiêm trọng bởi nạn săn bẫy bắt động vật hoang dã trái phép. Hiện nay những tay súng người H’mông là mối đe dọa lớn nhất đối với sự đa dạng này. Người H’mông di cư từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai đến và tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm của huyện Krông Bông với số lượng rất lớn (Theo thống kê sơ bộ vào năm 2007 tại các thôn EBlang, thôn EBar thuộc xã Cư Pui, số lượng người H’mông định cư là 4.545 người, thôn Yang Hanh xã Cư Drăm là 2029 người, thôn Na Prông xã Hòa Phong là 1662 người, ngoài ra còn một số lượng lớn người H’mông định cư rải rác tại các địa bàn khác trong các huyện Krông Bông, huyện Ma Drăk lân cận và một số lượng lớn người H’mông mới di cư vào chưa được thống kê).

 VQG Chư Yang Sin
Súng kíp được kiểm lâm VQG Chư Yang Sin thu giữ của những đối tượng người Mông đi săn

Người H’mông rất giỏi trong việc chế tạo các loại súng tự chế và sử dụng chúng trong việc săn bắn. Đây cũng chính là một tập quán điển hình của người H’mông. Ngoài thời gian làm rẫy theo mùa vụ, phần lớn nam giới người Mông ở đây ai cũng đi săn, họ đi thành từng tốp từ 2 đến 12 người, sử dụng chủ yếu là súng kíp, mỗi chuyến đi kéo dài từ 7 đến 30 ngày, thú rừng bị bắn và được sấy khô ngay tại rừng.

Khu vực bị tác động nhiều nhất trong VQG Chư Yang Sin do hoạt động săn bắn của người H’mông gồm các tiểu khu 1188, 1199, 1208, 1214, 1216, 1221, 1222, 1227, 1230, 1226, 1233, 1234, 1238, 1239, 1243, 1398, 1384, 1358, 1365, 1402, 1401, 1419…với diện tích lên đến 28.000 ha, thuộc địa giới hành chính các xã Cư Pui, Cư Dăm và Yang Mao của huyện Krông Bông. Đây chính là khu vực tập trung nhiều nhất các loài thú móng guốc trong VQG Chư Yang Sin.

Do nơi đây có địa hình tường đối bằng phẳng, sinh cảnh chủ yếu là rừng thông ba lá thuần loài, đất trống và trảng cỏ nên rất thuận lợi cho các hoạt động săn bắn. Theo thông tin từ Hạt kiểm lâm VQG Chư Yang Sin, năm 2006 họ đã thu giữ 32 khẩu súng tự chế, năm 2007 là 33 khẩu súng tự chế (chủ yếu là súng kíp được thu giữ từ người Mông trong các chuyến tuần tra rừng). Trong các chuyến tuần tra rừng của Trạm kiểm lâm Số 4 (xã Cư Drăm) và số 5 (xã Yang Mao) thuộc VQG Chư Yang Sin chuyến nào cũng phát hiện dấu vết săn bắn của người H’mông, các khẩu súng thu được là kết quả của những lần đuổi bắt các đối tượng người Mông đang đi săn trong rừng. Chỉ tính riêng trong năm 2007 kiểm lâm Vườn quốc gia Chư Yang Sin đã ngăn chặn và bắt giữ trên 20 đối tượng là người H’mông đang đi săn; phát hiện nhưng không bắt được đối tượng rất nhiều vụ, đối tượng bỏ chạy và bỏ súng lại; bắt giữ 19 vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép đều khai có nguồn gốc của người H’mông đi săn về. Điển hình gần đây nhất là vụ săn bắn 40 con Chà vá chân đen của 5 đối tượng người H’mông đã được Trạm kiểm lâm số 5 (VQG Chư Yang Sin) bắt giữ vào đầu tháng 2/2007 tại tiểu khu 1222 và rất nhiều các vụ săn bắn của người H’mông bị kiểm lâm Vườn phát hiện và ngăn chặn.

 VQG Chư Yang Sin VQG Chư Yang Sin 
 40 cá thể Chà vá chân đen bị 5 đối tượng người Mông bắn vào tháng 2/2007 và ảnh một trong năm đối tượng đó

Để hạn chế hoạt động săn bắn trên, VQG Chư Yang Sin đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét dài ngày trên rừng cùng với sự hỗ trợ của hai chú chó nghiệp vụ. Phục bắt và ngăn chặn được rất nhiều vụ đi săn khi các đối tượng mới vào tới bìa rừng nhưng do số lượng người H’mông đi săn quá đông, diện tích quản lý lại quá rộng, số lượng kiểm lâm của Vườn lại có hạn. Vì vậy mà Động vật hoang dã vẫn bị săn bắn và buôn bán với số lượng không nhỏ. Xem ra, bài toán về giải quyết dân di cư tự do, về ngăn chặn nạn săn bắn động vật hoang dã vẫn còn là thách thức lớn đối với VQG Chư Yang Sin.