Bảo vệ đa dạng sinh học bằng Công nghệ sinh sản và sinh học lạnh

ThienNhien.Net – Trong công tác bảo tồn thiên nhiên, các giải pháp bảo tồn nguyên vị luôn được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khi biện pháp ấy không thể đảm bảo kết quả tốt, người ta phải viện tới bảo tồn chuyển vị. Bảo tồn gen loài trong Ngân hàng đông lạnh là một trong những phương pháp ấy. Khi trường hợp xấu nhất xảy ra là một loài bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên, nếu gen của chúng vẫn được lưu giữ trong ngân hàng có nghĩa loài đó vẫn còn cơ may phục hồi. Ngân hàng gen đông lạnh này đang bước đầu được hình thành tại Việt Nam. Dưới đây là cuộc trao đổi của chúng tôi với TS. Bùi Xuân Nguyên – Trưởng phòng, Phòng công nghệ phôi, Viện CNSH – Viện KH&CN Việt Nam.

Xin ông giới thiệu sơ qua về công nghệ sinh sản và sinh học lạnh.

 
– Đây là phương pháp bảo quản đông lạnh tinh trùng, trứng, phôi và tế bào sinh dưỡng . Từ nguyên liệu ấy, người ta tiến hành các kỹ thuật sinh sản như thụ tinh ống nghiệm (TTON), nhân bản vô tính (NBVT), cấy phôi để tái tạo các cơ thể sống. Hiện nay, chúng tôi đã thực hiện bảo quản thành công đối với một số loài động vật nuôi (bò, dê, lợn) và một số loài động vật hoang dã như: sao la, mang lớn, gấu chó , khỉ, lợn mini (lợn của đồng bào dân tộc thiểu số).
 
Những con vật sinh sản nhân tạo như vậy có bị hạn chế về sức khỏe và khả năng sinh sản?
 
– Kết quả còn tùy từng kỹ thuật. Chẳng hạn, phương pháp TTON  thì kể cả sau khi đông lạnh nguyên liệu này vẫn cho ra các cá thể hoạt động bình thường. Còn đối với phương pháp NBVT thì tùy thí nghiệm và tùy lô thì có những tỉ lệ nhất định, đối với một số phòng thí nghiệm có công nghệ mới thì tỉ lệ mắc dị tật sẽ thấp hơn.
 
Đối với bảo tồn ĐDSH, kỹ thuật nào an toàn nhất và cho kết quả cao nhất?
 
– Không thể nói kỹ thuật nào an toàn nhất mà phải nói kỹ thuật nào cho mình đạt mục tiêu tái tạo cá thể/loài ấy, đặc biệt là đối với các loài quý hiếm.
 
Chẳng hạn, trong trường hợp chỉ còn một cá thể cuối cùng của loài, dù kỹ thuật NBVT không bằng kỹ thuật TTON nhưng hội đủ điều kiện thì vẫn nhất thiết phải dùng. Mỗi kỹ thuật đều có những hạn chế, để khắc phục và hoàn thiện nó cần có thời gian.
 
Thời gian tối đa bảo quản mẫu là bao lâu?
 
– Về lý thuyết là vô hạn. Hiện nay đã có những mẫu đã lưu 40-50 năm vẫn có thể sử dụng được.
 
– Lại nói về trường hợp của sao la, kể từ khi phát hiện đến nay, số lượng của chúng trong tự nhiên đã giảm tới 80% và theo đà này, chỉ một thời gian ngắn sao la có thể không còn trong tự nhiên. Ông đánh giá ra sao về việc nhân bản sao la?
 
Hiện tại chúng ta mới chỉ có phôi sao la nhân bản do cấy nhân tế bào sao la vào trứng bò dã loại nhân. Để nhân bản sao la không đơn giản, cần ít nhất phải hội đủ các điều kiện như nắm được các thông tin cơ bản về sinh lý của loài (hiện chưa ai nghiên cứu), đông thời phải có sao la cái để nhận phôi. Trường hợp không có cá thể sao la nào mà phải cấy phôi lên một cá thể loài khác thì cần phải làm chủ được các quá trình sinh lý sinh sản và miễn dịch sinh sản khi cấy phôi khác loài.
 
Hiện nay, Việt Nam có thực hiện chương trình lớn nào về bảo tồn ĐDSH bằng công nghệ ex situ không?
 
– Trước đây, các hoạt động nghiên cứu công nghệ sinh  sản và sinh học lạnh thuộc khuôn khổ dự án BIODIVA do Pháp tài trợ nhưng nay dự án đã kết thúc. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì việc nghiên cứu và tự đề ra mục tiêu bảo vệ ĐDSH, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và các loài ĐVHD quý hiếm. Bước đầu đã hình thành một ngân hàng gen gồm một số loài như đã nêu trên, về mặt kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh và có thể phục vụ bảo tồn nhưng đầu tư còn mới ở mức tự phát, chưa tương xứng với nhu cầu mở rộng quy mô và tần số hoạt động bảo tồn ĐDSH.
 
Hiện nay, chúng tôi đang thiết lập mạng lưới liên hệ với các vườn quốc gia (VQG) trong nước, kết hợp các biện pháp bảo tồn nguyên vị của họ với bảo tồn chuyển vị. Bản thân các VQG cũng gặp nhiều khó khăn, họ quản lý những địa bàn rộng lớn nhưng lại không được đầu tư tương xứng để thực hiện tốt vai trò bảo tồn. Không cứ rằng có khu bảo tồn thì các loài đã được bảo vệ.
 
Các VQG hỗ trợ chúng tôi rất tích cực trong việc cung cấp thông tin và mẫu để lưu giữ. Kết quả hợp tác bảo tồn sao la là ví dụ về hiệu quả của sự cộng tác này, trong trường hợp xấu nhất là một loài đứng trước bờ vực tuyệt chủng, chúng ta có thể hy vọng tái tạo chúng dựa vào nguồn nguyên liệu bảo quản trong ngân hàng lạnh.
 
Xin cảm ơn ông!