Năng lượng sinh học: Đường đi và đích đến (Kỳ 1)

Giá dầu mỏ ngày một leo thang chưa từng thấy suốt trong vòng năm năm qua thực sự đã gây áp lực về sự cần phải có của nhiên liệu sinh học để thay thế xăng dầu nhập khẩu.

Thế giới chung một con đường

Đi đầu là các nước như Braxin và Mỹ đã sử dụng mía đường và ngô để điều chế ethanol. Braxin, từ một nước phải nhập khẩu dầu mỏ hằng năm thì đến nay quốc gia này hoàn toàn tự chủ về nhiên liệu chỉ nhờ vào cây mía.

Hơn thế Braxin nay đã là nước xuất khẩu nhiên liệu sinh học với số lượng ngày một lớn vào Mỹ và nhiều quốc gia khác. Diện tích trồng mía ở Braxin hiện nay đã lên tới 3,4 triệu ha và dự báo sẽ đạt khoảng 5 triệu ha chỉ sau 2010. Tương tự, Mỹ có chính sách dùng ngô điều chế ethanol. Bắt đầu từ năm 2005, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật về năng lượng, yêu cầu sử dụng các loại nhiên liệu có thể tái sinh.

Theo đó là một cơn sốt điều chế ethanol từ ngô (một loại nguyên liệu cực kỳ dồi dào của Mỹ), được các nhà máy mở công suất tối đa. Ước tính đến cuối 2007, công suất sản xuất ethanol tại Mỹ đã lên tới 7,8 tỷ gallon (1 gallon = 3,785411784 lít) và đến 2009 sẽ là 11,5 tỷ gallon. Chính phủ Braxin cũng như Mỹ hy vọng sẽ duy trì sự tăng trưởng của các loại nhiên liệu tái tạo này để giảm sức ép lệ thuộc các loại nhiên liệu thiên nhiên phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, một sự phát triển thái quá nào cũng chứa nhiều nguy cơ, cả về kinh tế xã hội đến môi trường. Như việc mở rộng diện tích mía quá nóng ở Braxin đã xâm lấn quá nhiều đất trồng cây lương thực làm ảnh hưởng trực tiếp đến chăn nuôi, đồng thời còn lấn luôn cả đất rừng làm một loạt hệ sinh thái bị phá vỡ, thậm chí làm ảnh hưởng đến lưu vực sông Amazon- một hệ sinh thái giàu có nhất thế giới.

Còn với Mỹ, việc chuyển quá nhiều ngô sang nấu cồn làm giá ngô liên tục tăng cao trong các năm qua ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi đã tạo nên những chỉ trích gay gắt hướng về phía Mỹ. Ngay cả các nhà kinh tế của Mỹ cũng phân tích nếu chỉ có dựa vào ngô mà không nhanh chóng tìm ra nguồn nguyên liệu tái tạo khác để điều chế cồn sinh học thì đó là việc làm nguy hiểm.

Thế giới đang ra sức tìm đường khai thác năng lượng sinh học nhưng không phải cán đích bằng mọi giá mà đi với lộ trình có tính toán. Dĩ nhiên không thể duy nhất khai thác nhiên liệu chỉ từ ngũ cốc hoặc mía đường, mà các nhà khoa học đang hướng nghiên cứu khai thác một nguồn nhiên liệu sinh học thế hệ khác, hay còn được gọi nhiên liệu sinh học xenluloza (Cellulosic Biofuels).

Và tiếp theo Braxin và Mỹ thì một số nước châu Âu và một loạt nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Mianma, Malaysia và cả Việt Nam ta bắt đầu chú ý đầu tư nghiên cứu năng lượng sinh học, trong đó như đã nói, tất cả các nước đều đặc biệt hướng về nguồn nhiên liệu sinh học được điều chế từ xeluloza.

Ngoài một số cây nguyên liệu được kỳ vọng như cây Zatropha (cây diesel, hay đậu cọc rào); một số loài cọ dầu thì gần đây Trung Quốc và Mỹ đã đi đầu nghiên cứu nuôi các loại tảo biển có năng suất sinh khối cực cao để sản xuất diesel. Đặc biệt vào những ngày đầu 2008 các nhà khoa học Mỹ công bố họ đã thử nghiệm thành công ra diện rộng một loại cỏ có năng suất sinh khối vô cùng lớn, tên là switchgrass.

Được biết cỏ switchgrass ngoài việc phát triển với tốc độ cực nhanh thì nó cũng cho hàm lượng xơ rất cao cũng như các sản phẩm phụ khác đều giàu xenluloza- một loại nguyên liệu dễ dàng chế tạo thành ethanol chỉ sau một vài công đoạn chưng cất và lên men. Người ta hy vọng còn có thể tìm và lai tạo ra nhiều giống cỏ khác giống như cỏ switchgrass để nhanh chóng hạ giá ethanol sinh học, cũng như hạn chế dần việc phải chuyển ngô, đậu tương và các loại lương thực khác sang điều chế ethanol.