Để du lịch Việt Nam phát triển bền vững

Năm 2007 quả là một năm sôi động của ngành du lịch Việt Nam với các con số tăng trưởng ấn tượng và nhiều sự kiện đáng nhớ. Hình ảnh Việt Nam xuất hiện trên truyền thông quốc tế cũng nhiều hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, điều mà ngành du lịch cũng như mọi ngành khác đều hướng đến là sự phát triển mang tính bền vững thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Dưới đây là một số nhận định của những người làm du lịch như một gợi mở về hoạt động của ngành dịch vụ này trong tương lai.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2007 tăng 17% so với năm trước, có 47 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn hơn 1,8 tỉ USD, tăng xấp xỉ 200% so với năm 2006.

Ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM: “Cần đầu tư đúng mức vào sản phẩm du lịch”

Năm qua, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh một phần là nhờ các thuận lợi khách quan. Ví dụ thị trường du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh, đạt 6% so với 4% dự đoán. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, du khách quốc tế biết đến nước ta nhiều hơn và họ tin tưởng chọn Việt Nam làm điểm đến mới.

Mặt khác, nhờ sự năng động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước ngày càng chủ động và bài bản hơn trong cách marketing, hội nhập với thị trường du lịch quốc tế. Du lịch nội địa cũng phát triển mạnh nhờ vào sự phát triển kinh tế và nhờ sự đổi mới trong quảng bá, cung cấp dịch vụ của ngành du lịch.

Tuy nhiên chắc không ai dám khẳng định du lịch Việt Nam đã phát triển bền vững vì còn nhiều việc chúng ta làm chưa tốt, đặc biệt là sản phẩm du lịch. Chẳng hạn các hoạt động vui chơi chủ yếu là ăn uống chứ chưa tạo được không khí, màu sắc văn hóa địa phương.

Chưa có sự đầu tư đúng mức để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, nhất là những chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc chuyên dành cho du khách nước ngoài. Có những thế mạnh mà chúng ta chưa khai thác được như du lịch sông nước. Nếu xây dựng được công viên bờ sông ở bến Bạch Đằng, tổ chức tốt các lễ hội sông nước với các trò chơi, đua thuyền… thì
chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách.

Nạn kẹt xe, ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến ngành du lịch. Đi du lịch, người ta rất quý thời gian, mà du khách đến nước ta luôn mất quá nhiều thời giờ di chuyển, không khí ô nhiễm, không có lối đi bộ nên tất nhiên sức hấp dẫn bị giảm sút. Du khách cả trong và ngoài nước phàn nàn nhiều lắm, tiếc là những điều đó lại nằm ngoài khả năng giải quyết của ngành du lịch.

Ông Võ Anh Tài – Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist: “Nhiều việc phải làm quyết liệt từ bây giờ”

Tiềm năng phát triển trước mắt của du lịch Việt Nam rất lớn. Qua hệ thống đối tác tại 15 hội chợ quốc tế do Saigontourist tham dự trong năm vừa qua thì Việt Nam hiện đang được nhắc nhiều trên thị trường du lịch quốc tế, lượng khách đặt tour thông qua các đơn vị lữ hành ngay từ những tháng đầu năm nay cũng rất đáng lạc quan.

Trong năm 2008, Việt Nam sẽ có thêm du khách từ các thị trường mới nhiều tiềm năng như Nga, Đông và Nam Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi… Các hãng tàu biển du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều. Với sự xuất hiện nhiều hơn hệ thống lưu trú khách sạn, resort 5 sao, sân golf, trung tâm mua sắm, nhà hàng cao cấp… cùng với việc tiếp thị, quảng bá của các nhà cung ứng dịch vụ này, Việt Nam bắt đầu có điều kiện tiếp cận và thu hút trực tiếp thị phần du khách cao cấp. Nhánh khai thác dòng khách cao cấp cả trong và ngoài nước đều có mức tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, để đáp ứng cho sự tăng trưởng dòng khách này, phát triển và cung ứng đồng bộ dịch vụ cao cấp trên cả nước đang là yêu cầu cấp thiết. Người Việt Nam cũng ngày càng đi du lịch nhiều hơn và ngày càng quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, quyền lợi, bảo hiểm. Đây là con đường tất yếu đưa doanh nghiệp du lịch Việt Nam tiến đến hội nhập với các thông lệ quốc tế trong kinh doanh lữ hành.

Du lịch Việt Nam đang còn nhiều việc cần làm ngay, xin đơn cử:

– Nâng cao tính liên kết – là một điều kiện tất yếu để đẩy mạnh phát triển bền vững của ngành du lịch trong giai đoạn hội nhập, bao gồm tính liên ngành, liên vùng, liên quốc gia. Sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp du lịch, liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý ngành cũng sẽ tạo nên một môi trường, cơ chế kinh doanh thuận lợi, công bằng.

– Giá tour sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2008 theo tình hình biến động vật giá, biến động tỷ giá hối đoái và sự thiếu hụt nguồn cung ứng dịch vụ như lưu trú, hướng dẫn, vận chuyển… Vấn đề cần thiết được giải quyết từ gốc là tăng cung để đảm bảo giá dịch vụ ở mức hợp lý, tương xứng với chất lượng của điểm đến, có chính sách và cơ chế khuyến khích đầu tư vào các khách sạn từ 3 đến 5 sao, mở rộng nguồn cung ứng vận chuyển… Vấn đề này nếu không được thực hiện quyết liệt từ bây giờ thì sự khan hiếm dịch vụ du lịch chất lượng càng kéo dài và trầm trọng hơn, ảnh hưởng mức tăng trưởng chung của toàn ngành.

– Tăng cường đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) quốc tế bằng nhiều biện pháp, trong đó nên xem xét điều chỉnh quy chế cấp thẻ HDV du lịch quốc tế, theo hướng thoáng hơn về mặt bằng cấp, về quốc tịch đối với một số thị trường chọn lọc, có ngôn ngữ hiếm, có phân hạng HDV với những điều kiện cấp thẻ khác nhau để tạo thêm nguồn cung HDV. Đồng thời cần có một chiến lược dài hạn về đào tạo HDV quốc tế.

Ông Đặng Trung Nghĩa – Phó Tổng Giám đốc Fiditour: “Ngành du lịch bị thất thu nhiều”

Sự phát triển của du lịch Việt Nam nhìn chung đã đi vào ổn định nhưng còn một số vấn đề đáng quan tâm:

– Nóng bỏng nhất vẫn là thiếu phòng khách sạn trầm trọng, chất lượng phòng giảm so với trước đây, chất lượng phòng thật sự đạt tiêu chuẩn 4-5 sao rất khan hiếm. Có những đoàn khách quốc tế đặt tour trước bốn, năm tháng mà chúng tôi buộc phải từ chối do không có phòng. Nhiều đoàn khách đòi ở 4-5 sao nhưng phải thuyết phục họ chấp nhận ở khách sạn 3 sao, thế là khách hàng không hài lòng, còn ngành du lịch thất thu.

– Ở Hà Nội và TP.HCM hiện nay đang xây rất nhiều cao ốc văn phòng cho thuê nhưng xây thêm quá ít khách sạn. Nên chăng để dành một số vị trí đẹp để xây khách sạn cao cấp, vừa phát triển du lịch, vừa giảm được nạn kẹt xe. Chất lượng các điểm đến mới chỉ tạm đáp ứng 50-60 % yêu cầu của du khách nhưng lại không bền vững, chẳng hạn Vinpearland đang rất thu hút du khách thì lại phải ngưng lại sửa chữa cáp treo. Những điểm đến đang rộ lên, thu hút được nhiều du khách mà bỗng bị gián đoạn như thế thì ảnh hưởng đến kinh doanh du lịch rất nhiều.

Năm qua, du lịch Việt Nam quảng bá tốt so với trước đây, tuy nhiên nhiều du khách nước ngoài sau khi đến Việt Nam vẫn tỏ ra chưa hài lòng vì chất lượng dịch vụ chưa được như quảng bá, nhiều dịch vụ chưa hiện hữu.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Liên Bang Travelink: “Du lịch Việt Nam đang giảm sức cạnh tranh”

Năm qua, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh, nhưng thực chất là tăng lượng khách Việt kiều, khách đến làm ăn, tìm hiểu đầu tư sau khi Việt Nam gia nhập WTO, còn khách lữ hành thuần túy bị giảm vì giá tour đến Việt Nam tăng so với mọi năm, trong khi giá tour đến các nước Đông Nam Á khác lại giảm. Khách sạn và cơ sở hạ tầng không được đầu tư đón đầu mà luôn bị động chắp vá. Lượng khách thương mại đến Việt Nam đông làm phòng trở nên khan hiếm, các khách sạn không tôn trọng hợp đồng đã ký đối với lữ hành mà cứ tùy ý nâng giá. Các thị trường khách lớn trước đây như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp đều giảm.

Năm nay, khách từ các thị trường mới như Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Tây Ban Nha tăng mạnh vì du lịch Việt Nam năm nay được quảng bá nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Thật ra, đây là biểu hiện của sự phát triển không bền vững, bởi rất ít khách đến Việt Nam rồi quay lại. Với tình hình giao thông, cơ sở hạ tầng, quản lý du lịch địa phương như hiện nay, sắp tới tôi dự đoán cũng chưa có thay đổi lớn, không có gì đảm bảo là du lịch sẽ tăng, nếu không nói là sẽ giảm.

Khi kinh tế phát triển mạnh, tất nhiên du lịch cũng tăng theo, nhất là khách trong nước, nhưng do chưa có chính sách dài hạn, cụ thể, nhất là về đầu tư con người, khách sạn và điểm đến nên sự phát triển như vậy chưa thể gọi là bền vững. Du lịch Việt Nam vẫn chỉ khai thác những gì có sẵn và đang bị giảm sức cạnh tranh.