10 điều con người làm được và chưa làm được trong bảo tồn thiên nhiên

Năm 2007 được coi là năm môi trường suy thoái bởi hàng loạt các trận động đất, cháy rừng, bão lũ xảy ra liên tiếp. Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang là chủ đề nóng của toàn cầu. Nhiều loài động vật từ đó cũng bị hủy diệt dần. Và bên cạnh đó, con người cũng đang ra sức cứu lấy thiên nhiên.

Tàn phá rừng nhiệt đới Amazone

Hiện nay, mức độ tàn phá rừng nhiệt đới Amazon đạt tới mức kỉ lục khoảng 24.000km2/năm, nếu tính cụ thể thì cứ mỗi giờ diện tích rừng biến mất tương đương với công viên trung tâm thành phố New York (Mỹ). Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh, riêng Brazil quản lý khoảng 40% diện tích rừng nhiệt đới của thế giới.

Trồng mới rừng ở Trung Quốc

Đây là dự án mà con người đã làm được trong việc bảo vệ môi trường, được chính phủ Trung Quốc thực hiện ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, cụ thể bắt đầu từ năm 2002, Trung Quốc đã trồng được 5% diện tích rừng mới, tương đương diện tích của bang California, tức khoảng 440.000km2 đã được tái phủ xanh. Mục đích của dự án này là nhằm ngăn chặn xói mòn đất, hạn hán, lụt lội và ô nhiễm môi trường do khói bụi.

Huỷ diệt đàn sơn dương Jaiga

Theo số liệu thống kê thì năm 1983 ở vùng Trung Á còn tới trên một triệu sơn dương Jaiga, loại động vật rất hiếm nhưng đến năm 2004 còn không quá 30.000 con, chủ yếu là sơn dương cái. Nguyên nhân làm cho đàn sơn dương này bị tuyệt chủng là do nạn săn bắn, xe cộ qua đường và các loại vũ khí tự chế do con người sử dụng.

Bảo vệ thành công loài bò rừng châu Mỹ

Bò rừng châu Mỹ (American Bison) tên khoa học là Bison bison là loại động vật hoang dã rất quý hiếm từ số lượng trên 10 triệu con giảm xuống còn 750 vào giữa thập niên 1890. Từ 1868-1881, có khoảng 31 triệu bò rừng bị giết hại và do chó sói săn bắt, nhưng ngày nay nhờ bàn tay con người mà đàn bò này đang sinh sôi phát triển trở lại và đạt số lượng trên 350.000 con.

Làm tuyệt chủng đàn tê giác phương Bắc

Tê giác phương Bắc (tên khoa học là Ceratotherium Simum Cotton) là loại động vật cực kỳ quý hiếm, tính đến thập niên 60 thế kỷ trước còn trên 2.250 con, sống chủ yếu ở 5 quốc gia châu Phi nhưng do nạn săn bắn ráo riết mà đến tháng 02/2005 chỉ còn lại khoảng 10 con, đưa tê giác trở thành loài động vật có vú có nguy cơ diệt vong cao nhất thế giới hiện nay.

Thành công trong việc bảo vệ loại tê giác trắng phương Nam

Loài tê giác phương Nam (tên khoa học là Caratotherium Simum) là loại động vật được hồi sinh phát triển mạnh nhất kể từ thập kỷ 90 ở thế kỷ trước, đặc biệt là ở công viên Natal, Nam Phi, số lượng hiện có đã vượt trên 50 con, đưa tổng số đàn tê giác này tăng trên 11.000 con và hiện nay vẫn đang phát triển mạnh.

Thất bại trong việc bảo vệ loại động vật lưỡng cư

Theo kết quả cuộc điều tra về loài lưỡng cư do WWF thực hiện năm 2004 cho thấy, có tới 1/3 trong số 5.743 loài lưỡng cư trên trái đất có nguy cơ bị tuyệt chủng so với 1/4 các loài động vật có vú và 1/8 của loài chim. Cụ thể có tới 43% dân số của loài động vật lưỡng cư đang có nguy cơ bị biến mất, trong số này có khoảng 4% mất hẳn.

Thành công trong việc bảo vệ 10% diện tích đất của hành tinh

Năm 1872, công viên quốc gia Yellowstone của Mỹ được coi là công viên bảo vệ thiên nhiên đầu tiên của nhân loại nhưng đến nay đã có tới 44.000 công viên kiểu này, điều đó chứng tỏ trong thế kỷ XX con người đã thực hiện được rất nhiều trong việc bảo toàn diện tích đất hoang dã trên hành tinh, đưa tổng số diện tích được bảo vệ lên tới trên 14 triệu km2, tương đương với diện tích của cả nước ấn Độ và Trung Quốc gộp lại.

Thất bại trong việc bảo vệ loài đười ươi

Đười ươi tên khoa học là Pono Pygmaeus là loài khỉ to, tay dài sống nhiều ở Borneo và Sumatra, sang thế kỷ thứ XX loài động vật linh trưởng này đã giảm trên 90% hiện chỉ còn không quá 40.000 con, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 con bị giết hại, lý do môi trường sống bị cạn kiệt, nạn săn bắn của con người ngày càng gia tăng và dự kiến nếu trong vòng 10 năm nữa không có biện pháp cụ thể thì loài đười ươi có nguy cơ bị diệt vong.

Thành công trong việc bảo vệ loài khỉ sư tử lông vàng

Loài khỉ sư tử lông vàng nhiệt đới và khỉ Brazil (Leotopithecus rosalia) là loại linh trưởng quý hiếm mà người ta tình nghi đã bị tuyệt chủng từ đầu thập niên 70 ở thế kỷ trước nhưng khi phát hiện thấy 200 con ở bờ biển Brazil mới thấy loài khỉ này vẫn còn tồn tại, từ đó con người đã bắt đầu chiến dịch bảo tồn, đây là nỗ lực của rất nhiều tổ chức quốc tế cùng chung sức thực hiện và đến nay đã có trên 1.200 con khỉ loại này được nuôi dưỡng và thả lại môi trường hoang dã.