Bali – Hội nghị Liên Hợp quốc lớn nhất về biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Ban thư ký của Công ước biến đổi khí hậu hôm qua cho biết số lượng đại biểu tham gia Hội nghị lần thứ 13 về Công ước biến đổi khí hậu (UNFCCC) tại Bali lớn nhất từ trước đến nay. Hơn 11.000 người đến từ các châu lục trên thế giới mang theo tiếng nói của dân tộc mình.

Hội nghị tại Bali (03-14/12/2007) có 192 đoàn đến dự, 176 đoàn tham gia chính thức cuộc họp lần thứ ba về Nghị định thư Kyoto. Điều đó cho thấy nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu lan tỏa trên toàn thế giới và các quốc gia đều có nhu cầu liên kết tìm ra giải pháp chung giải quyết vấn đề toàn cầu. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban-ki-moon đã phát biểu: “Trong một bầu khí quyển chung của chúng ta, không thể nói có sự khác biệt giữa khí thải từ một nhà máy châu Á với khí phát thải từ nạn phá rừng ở Nam Mỹ hay châu Phi”.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần này cũng là đoàn đông nhất tham dự một hội nghị quốc tế từ trước đến nay của nước ta. Dẫn đầu đoàn Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, ngoài ra còn các cán bộ cấp Vụ của Bộ TNMT, đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và nhiều thành viên khác. Hôm nay (13/12), Bộ trưởng  Phạm Khôi Nguyên sẽ có bài phát biểu tại phiên họp cấp bộ trưởng tại hội nghị. 

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Việt Nam là một trong những nước đang phát triển chịu  nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Nhằm hạn chế các tác động của tiêu cực biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có nhiều cố gắng tham gia các hoạt động thực hiện Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Việt Nam đã xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ 1 và hiện đang xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ 2, trong đó có đề ra các biện pháp thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong thế kỷ 21. Một trong những khuyến nghị của Việt Nam tại hội nghị lần này là thúc đẩy các hoạt động tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ mới và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.