Hệ thống xử lý nước thải phân tán đầu tiên ở Việt Nam

DEWATS, một công nghệ xử lý nước thải dựa trên nguyên tắc hoạt động của vi sinh vật, hoàn toàn có thể xử lý triệt để hàm lượng ô nhiễm hữu cơ có trong nước thải mà không tốn kém.

Nhằm giúp Việt Nam giảm thiểu tác hại của rác thải và nước thải y tế tại các bệnh viện, từ tháng 12/2006, Chính phủ Đức đã tài trợ hơn 50.000 USD cho dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán (DEWATS). Hệ thống này vừa được đưa vào sử dụng thí điểm lần đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa Kim Bảng (tỉnh Hà Nam).

Ông Lutz Meyer, Giám đốc dự án cho biết: “Đây là dự án xử lý nước thải y tế đầu tiên mà CHLB Đức triển khai thực hiện ở Việt Nam. Hiệu quả của nó thấy rất rõ, chi phí đầu tư, chi phí vận hành thấp phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam. Sắp tới công nghệ này được phổ biến rộng rãi hơn tại các tỉnh thành của Việt Nam. Hiện nay các bệnh viện ở Việt Nam đều xử lý nước thải theo công nghệ truyền thống, tiêu thụ điện năng rất lớn và chi phí vận hành, chi phí duy tu, bảo dưỡng cho hệ thống rất cao”.

Với khoảng 500-700 lượt người sử dụng một ngày tại Bệnh viện đa khoa Kim Bảng, trước đây toàn bộ nước thải của nhà vệ sinh, khu khám chữa bệnh đều thải trực tiếp vào môi trường theo cơ chế thấm ngấm, phần còn lại chảy ra cánh đồng xung quanh. Nếu sử dụng Chlopheraminh để xử xử lý thì sẽ rất tốn kém.

Theo Giám đốc bệnh viện Vũ Đình Phụng, từ khi áp dụng công nghệ DEWATS nước thải của bệnh viện được xử lý triệt để mà không tốn kém hoá chất, điện, người vận hành; đã có nhiều nơi đến thăm quan để áp dụng mô hình này.

Ông Lutz Meyer cũng khẳng định, DEWATS không chỉ là giải pháp hiệu quả cho xử lý các loại hình nước thải của bệnh viện mà sắp tới cũng sẽ được áp dụng rộng rãi để xử lý nước thải tại các nhà hàng, khách sạn, nước thải sinh hoạt các khu chung cư, các nhà máy chế biến thực phẩm, lò mổ…/.