Hiểm họa từ những cánh đồng hoa

55% số tiền chi phí cho việc trồng hoa là dành để mua thuốc bảo vệ thực vật. Để có những cánh đồng hoa tươi tốt, hàng ngày, một lượng lớn thuốc trừ sâu đã được đổ xuống cánh đồng. Thu lợi từ hoa, người trồng hoa cũng phải học cách sống chung với chất độc hại.

Người dân xã Mê Linh (Mê Linh – Vĩnh Phúc) đã quá quen với hình ảnh mịt mờ của những làn sương thuốc bảo vệ thực vật trên những cánh đồng hoa vào mỗi buổi chiều. Ngoài cắt, tỉa, bón phân thì phun thuốc trừ sâu bệnh là công đoạn hết sức quan trọng trong quá trình trồng hoa. Do thời điểm ngắt hoa khác nhau nên mỗi nhà cũng có lịch phun khác nhau. Khi vườn nhà này phun, bên vườn bên có người vẫn say sưa tỉa cành, không để ý gì đến không khí độc hại xung quanh.

Với 2 sào ruộng, trên 10.000 gốc hồng, cứ cách 3 ngày, anh Trần Văn Khởi lại phải phun thuốc một đợt. Tranh thủ lúc giải lao giữa hai bình thuốc, anh Khởi kéo sệ vai áo, chỉ cho chúng tôi xem 2 vết lõm trên bả vai, đã ngả sang màu tái xỉn. Đó là dấu tích in hằn sau bao nhiêu năm phun thuốc trừ sâu để bảo vệ hoa. Máy phun thuốc có dung tích 25 lít, cộng tất cả trọng lượng máy, tổng cộng anh phải đeo trên mình gần 40kg.

Nhưng anh Khởi bảo, vết lõm vai này không phải do trọng lượng máy phun quá nặng, mà do quá trình làm việc, thuốc rò rỉ thấm vào quai dây, bám vào ăn mòn da thịt…

4 giờ chiều, bầu không khí quanh các ruộng hoa càng trở nên nồng nặc. Âm thanh của hàng loạt chiếc máy phun thuốc trừ sâu trên đồng giòn giã nổ. Nguyễn Hữu Hoà ngóc đầu lên từ rãnh hoa hồng. Cậu khá mảnh dẻ, nhỏ bé so với cái tuổi 22 của mình. Theo nghề trồng hoa của gia đình, Hoà đảm trách phần nặng nhọc và độc hại nhất là hàng ngày cõng trên mình chiếc máy phun thuốc trừ sâu.

Tôi cố ghi chép đầy đủ “danh mục” các loại thuốc trừ sâu mà Hoà phun trong buổi chiều: Mopride, sherpa, vertimec, daconie, dipomate… với những lưu ý “thuốc cực độc”. Như bổ sung thêm kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật cho tôi, anh Hoà mở nắp lọ dipomate có thứ nước xanh như mực Cửu Long rồi nói “đố anh ngửi”.

Hoà bảo, chỉ mới ngửi cũng đủ ngạt thở rồi. “Nhưng khủng khiếp nhất là khi hoà tất cả các loại thuốc trên làm một, mùi có thể nói là… kinh hoàng”, Hòa ngao ngán nói; cậu cho biết, mỗi lần phun thuốc, lượng thuốc rơi vào vườn hoa cũng tương đương với số hoá chất ngấm vào cơ thể.

Ông Nguyễn Văn Bẩy, cán bộ Hội Khuyến nông xã Mê Linh, cho biết, cả xã có khoảng 250ha diện tích đất nông nghiệp dành cho việc trồng hoa. Để có những vụ hoa được mùa, mỗi năm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật có thế lên tới 4-5 tỷ đồng, chiếm 55% tiền chi phí cho việc trồng hoa. Đây là lượng thuốc bắt buộc, nếu không hoa sẽ cho chất lượng kém.

Xã cũng đã tuyên truyền hướng dẫn bà con sử dụng thuốc an toàn (tăng lượng thuốc sinh học) nhưng vì giá thành loại thuốc này đắt nên phần lớn bà con ít sử dụng. Thuốc Trung Quốc được ưa dùng nhất vì giá thành rẻ.

Cũng theo ông Bẩy thì việc phòng tránh độc hại từ thuốc bảo vệ thực vật đều do ý thức tự giác của bà con nông dân. Đến nay, xã vẫn chưa thể đánh giá được mức độ ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật gây nên vì chi phí cho việc thí nghiệm quá đắt.