Điện Biên: Vệ sinh môi trường ở Mường Nhé

Đến thời điểm này, các cơ quan, ban, ngành của huyện Mường Nhé đã chuyển đến địa điểm mới được 1 năm. Trong điều kiện cả huyện là một công trường xây dựng, nên vấn đề vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì lý do đó, trăm thứ rác thải được người dân, thậm chí cả cán bộ công chức vứt bừa bãi ra đường, mương thoát nước…

Ra đường gặp… rác thải

Trung tuần tháng 10/2007, Mường Nhé đã sang mùa khô, nên các doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình: Điện, đường, trường, trạm… quanh khu vực thị trấn; các hộ dân mua sắm nguyên, vật liệu chuẩn bị xây nhà. Xe máy vào ra tấp nập, kéo theo những “cột” bụi khổng lồ vã vào mặt người đi đường.

Bên cạnh ô nhiễm khói bụi, vấn đề thường gặp ở Mường Nhé là rác thải. Bắt đầu từ Bến xe tạm đến Hạt Kiểm lâm huyện, hai bên đường đầy rác. Tuyến đường chính nội thị thiết kế rộng 36m, thế nhưng có nơi rác án ngữ ra giữa lòng đường. Rác tập trung nhiều nhất ở khu vực đối diện Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn huyện. Lý do “bãi rác” nơi đây ngày càng “phình” ra, vì gần các quán bán thực phẩm, rau xanh… Hàng ngày, mỗi khi xế chiều, chủ quán quét dọn ki ốt, và cứ thế, rác thải được vứt bừa bãi theo kiểu “bạ đâu bỏ đó”.

Là huyện miền núi, vì vậy các lô đất chia cho dân, cán bộ công chức làm nhà theo kiểu tam cấp. Do chưa có quy định rõ ràng nơi đổ rác, giờ đổ rác, nên người dân tiện đâu vứt đấy. Gia đình sống ở phía trên vứt rác xuống đường hoặc vứt vào hệ thống mương thoát nước. Và theo lẽ thường, nước chảy chỗ trũng, thế là những hộ dân sống ở khu vực thấp lãnh đủ mùi xú uế.

Không chỉ có túi ni lông, cọng rau, rác thải mà cả xác động vật cũng được những người vô ý thức vứt ra đường. Minh chứng là trong 2 ngày (13 – 14/10), huyện tổ chức giải bóng chuyền công – nông – binh, nhưng ngay phía cuối sân bóng chuyền (cạnh trục đường 36m) có cả xác gà đã thối rữa.

Nỗ lực của cơ quan chức năng

Trao đổi xung quanh vấn đề xử lý rác thải, anh Trần Trung Kiên, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Nhé cho biết: Tháng 06/2007, huyện đã mua 50 thùng đựng rác (mỗi thùng có dung tích 140lít), 5 xe đẩy rác và 4 thùng tôn lớn chứa rác (dung tích 2.000lít/thùng). Lý do Phòng chưa triển khai đặt các chú “chim cánh cụt” tại những điểm công cộng, vì đường nội huyện làm chưa xong, nếu rải thùng rác ra, công nhân cũng không thể đẩy xe đi thu gom rác được.

Với lại, cách đây vài tháng, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND huyện, Phòng Tài chính phương án nên hợp đồng thuê nhóm công nhân, hay thuê doanh nghiệp thu gom rác, nhưng mãi đến trung tần tháng 10, UBND huyện mới thẩm định, phê duyệt cho Doanh nghiệp Thủy Văn chịu trách nhiệm thu gom rác.

Huyện đã quy hoạch bãi rác rộng 1,2ha tại khu vực Khe Can, gần ngã ba cầu Nậm Pồ (xã Mường Nhé). Với lượng rác ước tính từ 1,2 – 1,5 tấn/ngày như hiện nay, thì bãi rác Khe Can đủ sức chứa trong thời gian 30 năm. Từ năm 2010 trở đi, lượng rác thải ước tính mỗi ngày lên đến 5 tấn. Từ nay đến cuối năm, huyện áp dụng biện pháp đốt rác, các năm tiếp theo sẽ dùng hóa chất phun khử khuẩn, khử mùi sau đó lấp đất, để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sắp tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo Doanh nghiệp Thủy Văn tiến hành thu gom rác. Nhưng để việc thu gom được triệt để, toàn thể nhân dân, cán bộ công chức sinh sống trong khu vực trung tâm huyện cần nâng cao ý thức, tuân thủ giờ giấc, địa điểm đổ rác, tránh tình trạng khi công nhân đến không mang rác ra đổ, công nhân đi rồi lại vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.