Dịch tiêu chảy cấp vẫn không ngừng lan rộng

ThienNhien.Net – Bất chấp những nỗ lực của ngành y tế và các cơ quan chức năng, dịch tiêu chảy cấp không dừng ở phạm vi thủ đô Hà Nội mà đã lan rộng ra 11 tỉnh, thành trên cả nước, với hơn 600 ca bệnh nhân. Dịch đang diễn biến phức tạp, nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ bùng phát và gây hậu quả khôn lường.

Dịch diễn biến phức tạp

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn: “Tiêu chảy cấp chủ yếu do vi khuẩn tả gây nên và nguyên nhân chính dẫn tới dịch bệnh là do nguồn thực phẩm bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh, như mắm tôm, lòng lợn tiết canh, hải sản tươi sống…là nhóm có nguy cơ truyền bệnh cao. Trong thời điểm hiện nay người dân cũng không nên sử dụng các loại thực phẩm này để phòng chống tối đa nguy cơ nhiễm bệnh dịch”.

Vi khuẩn tả tồn tại lâu dài trong vùng nước lợ cửa sông, ven biển, chủ yếu ở động vật phù du, tảo, tôm, cua, sò, hến. Chúng nguy hiểm ở chỗ lây lan nhanh và dễ gây tử vong. Các bệnh nhân được điều trị có chung triệu chứng nôn, mất nước, tiêu chảy nhiều. Có trường hợp phải truyền dịch từ 10-15 lít mỗi ngày. Thậm chí, sau vài ba tiếng người bệnh có thể co giật, truỵ tim mạch.

Theo thống kê, 75% người nhiễm vi khuẩn tả không có biểu hiện triệu chứng bệnh nhưng vẫn thải vi khuẩn ra môi trường trong vòng 7-14 ngày. Trong số người có triệu chứng bệnh, 80% ở mức nhẹ và vừa, 20% rơi vào tình trạng mất nước nặng. Bộ Y tế đã có khuyến cáo: người bệnh không nên điều trị tại nhà, không được tự ý mua thuốc về uống, nếu cấp cứu muộn sẽ rất dễ dẫn đến tử vong.

Hiện nay, số người mắc bệnh tiếp tục tăng nhanh. Riêng tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia đang có trên 140 bệnh nhân, 108 người trong số này dương tính với loại bệnh tiêu chảy cấp, độc tính cao.

Đáng lưu ý, đã xuất hiện những ca mắc bệnh thứ phát (mắc bệnh từ nguồn lây khác ngoài mắm tôm), có thể phát sinh do nguồn nước, vệ sinh ăn uống. Có trường hợp nhiễm bệnh sau khi chăm sóc bệnh nhân.

Theo cảnh báo từ Bộ Y tế, dịch đường tiêu hoá lây lan theo thực phẩm, có thể xuất hiện ở nhiều nơi, nếu chúng ta không quyết liệt dập dịch ngay thì nguy cơ lan rộng và bùng phát dịch rất cao.

Chặn dịch ở mọi hướng

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 29/10/2007, Bộ Y tế đã thành lập “Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm” và có công điện khẩn gửi tất cả các cơ sở y tế trong cả nước để đối phó với căn bệnh này. Bộ cũng đã ra liên tiếp các quyết định hướng dẫn quy trình xử lý dịch tả và chẩn đoán, điều trị bệnh tả, áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước, bán công và tư nhân trong toàn quốc.
Ngày 30-31/10, Bộ Y tế thực hiện tổng kiểm tra VSATTP tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bộ lập 4 đoàn đi kiểm tra các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hoá. Đợt kiểm tra này sẽ tập trung cho đến khi hết dịch.

Ngày 01/11, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Hà Nội và các tỉnh mở chiến dịch tổng tiến công về vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó hải sản, cá tươi, mắm tôm, thực phẩm chưa chín cần loại hoàn toàn khỏi thực đơn của người dân.

Đối với những gia đình của người bệnh, ngành y tế đã phát thuốc sát khuẩn đến từng gia đình, thực hiện xử lý nguồn nước quan khu vực gây bệnh. Nhân viên y tế trực 24/24h ở các khu vực nhiễm dịch. Đối với những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân đã được điều trị bằng kháng sinh dự phòng.

Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đã có công điện khẩn gửi các tỉnh miền Trung như Thanh Hoá, Nghệ An… chỉ đạo triển khai các hoạt động chống dịch, sẽ phải ngừng vận chuyển mắm tôm ra ngoại tỉnh và ngay trong nội bộ các tỉnh, không để nguồn thực phẩm ô nhiễm, chuyển từ chỗ nào sang chỗ khác.

Tại Mỹ La tinh, năm 1991 bệnh tả quay trở lại sau 100 năm, đến 1994 có hơn 1 triệu trường hợp nhiễm bệnh. Tại Zai-a (Trung Phi) tháng 7/1994 xả ra dịch tả El Tor ở người tị nạn Ru-an-đa, 70.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó 12.000 ca tử vong.

Ở Việt Nam, dịch tả chưa bùng phát lớn mà xuất hiện lẻ tẻ, chủ yếu ở các vùng ven biển. Các trường hợp mắc bệnh thường có liên quan đến các loại thực phẩm như hải sản tươi sống, mắm tôm, nước đá, kem.

Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, đây là căn bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao, từ 40% đến 50% . Do đó, ngành y tế khuyến cáo đến các gia đình, nếu có triệu chứng bệnh như nôn mửa, tiêu chảy nên đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế, vì nếu đến muộn, người bệnh khó có cơ hội cứu chữa do quá trình chuyển bệnh rất nhanh. Và nên đưa ngay người bệnh tới Bệnh viện Y học Lâm sàng và các bệnh nhiệt đới.

Trong vùng có ổ dịch, khi có các trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm phải được xử lý như một ổ dịch tả. Người dân chỉ dùng nước đã khử trùng clo và đun sôi để uống. Nước rửa bát đĩa, đồ đựng thực phẩm phải bằng nguồn nước đã khử trùng clo và không bị nhiễm bẩn sau đó. Hạn chế hội họp, tập trung ăn uống đông người. Đặc biệt, tại thành phố, hệ thống đường ống nước phải đảm bảo dư lượng clo đúng tiêu chuẩn quy định 0,30 – 5%g/l.

Mặt khác, Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương đã đề nghị Bộ Y tế xem xét đến vấn đề tiêm vắc xin phòng dịch tiêu chảy cấp. Đặc biệt, cần triển khai rộng ở các tỉnh miền Trung vừa xảy ra lũ lụt.

Bên cạnh đó, phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy cấp cũng đã được Bộ Y tế ban hành, trong đó đảm bảo đúng nguyên tắc gồm ba biện pháp: truyền dịch, điện giải và điều trị bằng kháng sinh. Cho đến nay có thể khẳng định phác đồ điều trị đang được sử dụng để điều trị dịch tiêu chảy cấp đã cho kết quả tốt.

 4 khuyến cáo cho cộng đồng phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm:

– Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi; tránh tập trung ăn uống đông người; hạn chế người ra vào vùng đang có dịch.

– An toàn vệ sinh thực phẩm: mọi nhà, mọi người đều thực hiện ăn chín uống sôi; không ăn rau sống, uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.

– Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch.

– Khi có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.