Nghiên cứu thành công quy trình trồng nấm hầu thủ chịu nhiệt

Sau gần 2 năm thực hiện, vừa qua nhóm các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu linh chi và nấm dược liệu TP. Hồ Chí Minh và Hội sinh học TP. Hồ Chí Minh (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh) đã thực hiện thành công Dự án “Nghiên cứu quy trình công nghệ trồng nấm hầu thủ chịu nhiệt”. Ngoài việc cung cấp thêm một món ăn mới trong bữa ăn hàng ngày cho người tiêu dùng, thành công của dự án này còn mở ra một triển vọng trồng nấm hầu thủ để sử dụng làm nguyên liệu cho ngành dược và xuất khẩu…

ThS. Cổ Đức Trọng, Chủ nhiệm Dự án cho biết, nấm hầu thủ có nguồn gốc từ Nhật Bản, có tên khoa học là Hericium erinaceus (tên tiếng Anh thông dụng là Monkey’s Head, Lion’s Mane; tên tiếng Nhật là Yamabushi-take; Trung Quốc gọi là Shishigashida). Nấm hầu thủ là loại nấm ôn đới thích hợp ở những vùng khí hậu lạnh, đã được trồng thử nghiệm thành công tại Đà Lạt cách đây hơn 6 năm.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, Nhật Bản, nấm hầu thủ có tác dụng rất tốt trong việc điều trị bệnh viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày và thực quản, cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi.

Trước đó ThS. Cổ Đức Trọng đã nghiên cứu thành công quy trình trồng nấm hầu thủ trong điều kiện TP. Hồ Chí Minh (dòng nấm hầu thủ chịu nhiệt). Sau thành công này ThS. Cổ Đức Trọng quyết định nghiên cứu sâu hơn, để hoàn thiện hơn quy trình.

Tháng 12/2005, nhóm các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu linh chi & nấm dược liệu Tp. Hồ Chí Minh, và Hội sinh học Tp. Hồ Chí Minh đã bắt tay thực hiện dự án “hoàn thiện quy trình công nghệ trồng nấm hầu thủ – dòng nấm chịu nhiệt” (do Sở KH&CN – Tp. Hồ Chí Minh cấp kinh phí).

Sau gần 2 năm tiến hành, trung tuần tháng 11/2007 nhóm nghiên cứu đã hoàn tất được quy trình trồng nấm hầu thủ tại TP. Hồ Chí Minh (dòng nấm hầu thủ chịu nhiệt), đã trồng thành công hơn 16.000 kg nấm tại Tp. Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Theo ThS. Cổ Đức Trọng, dòng nấm hầu thủ chịu nhiệt này đã ổn định, có thể sản xuất được ở TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long (trồng trong nhà lợp lá hay lợp tôn đều được).

Bước đầu nhóm nghiên cứu giới thiệu sản phẩm nấm hầu thủ với thị trường và thu được kết quả rất khả quan: bán sỉ và lẻ (dạng nấm tươi và nấm khô) ở thị trường trong nước được hơn 500 kg, chuyển giao gần 700 kg nấm hầu thủ khô cho các công ty dược sản xuất thuốc (dạng thực phẩm chức năng), xuất khẩu chào hàng sang thị trường Mỹ (thông qua Công ty Teaco) được hơn 200 kg nấm khô.

Được biết, hiện nay nấm hầu thủ đang là một món ăn được ưa chuộng tại nhiều nước trong khu vực. Tại Thái Lan giá nấm hầu thủ là 550.000 đồng/kg nấm khô (1.000 Baht) và không có đủ để bán, tại Nhật là 120 – 220 USD/kg nấm khô, tại Thượng Hải (Trung Quốc) giá nấm hầu thủ tươi là 46.000 đồng/kg (gần 23 tệ). Giá nấm hầu thủ khô của Việt Nam (giá trong dự án của ThS. Cổ Đức Trọng) hiện khoảng 300.000 đồng/kg.

ThS. Cổ Đức Trọng cho hay, sau thành công bước đầu này, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn quy trình công nghệ để mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ, nhất là hướng xuất khẩu. Nhóm nghiên cứu cũng sẵn sàng chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm hầu thủ cho bà con nông dân.