Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Đồng Nai

Ngày 28/03/2007, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 2144/UBND-CNN về xử lý nước thải tại các KCN. Quyết định này nêu rõ: Những KCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) buộc phải đầu tư và đưa vào vận hành trước ngày 30/12/2007. Thế nhưng, tính đến nay, chỉ còn gần 100 ngày nữa đến kỳ hạn chót, liệu các KCN có làm kịp ?

Chưa khống chế được ô nhiễm từ nước thải công nghiệp

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đồng Nai, tính đến tháng 06/2007, Đồng Nai đã có 23 KCN được thành lập, trong đó có 19 KCN với khoảng 642 dự án đã đi vào hoạt động nhưng mới chỉ 1/3 số nhà máy đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ và 9 KCN có hệ thống XLNTTT.

Hiện nay, lượng nước xả thải trung bình tại các KCN ước tính khoảng trên 60.000m3/ngày đêm. Nước thải từ các KCN không qua xử lý tập trung có lưu lượng lớn và thành phần ô nhiễm phức tạp, làm suy thoái chất lượng nước sông, suối trong khu vực, đe dọa cả chất lượng nước ngầm, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Kết quả quan trắc và phân tích 161 mẫu nước thải tại các điểm xả thải của 15 KCN tập trung và 5 doanh nghiệp lớn ngoài KCN do Sở TN&MT thực hiện vào cuối năm 2006 cho thấy, trong tổng lưu lượng nước thải là 76.457m3/ngày đêm của 20 đơn vị được kiểm tra, có 449 thông số ô nhiễm vượt chỉ tiêu quy định.

Một kết quả khảo sát khác gần đây cũng  cho thấy, hàm lượng chì trong nước thải của KCN Biên Hòa 1 còn vượt 4 lần, hàm lượng phốt pho trong nước thải ở KCN Amata vượt khoảng gần 10 lần, amôniac vượt đến 95 lần, hàm lượng crôm ở KCN Hố Nai vượt 75 lần.

Nguyên nhân chính là do nước thải không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt. Trong khi đó, lượng nước thải của những KCN này chủ yếu thải vào sông Đồng Nai, sông Thị Vải, hồ Trị An và hồ Sông Mây.

Theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) và Quy định BVMT trong các KCN, các KCN khi lấp đầy 30% diện tích, phải đưa hệ thống XLNTTT vào hoat động, trong đó mỗi nhà máy trong KCN trước khi đi vào hoạt động, phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ.

Sau năm 2007, các KCN phải xây dựng hệ thống XLNTTT song hành với các hạng mục công trình hạ tầng khác (dù là xây dựng cơ bản) mới được phép kêu gọi đầu tư. Quy định là thế, nhưng thực tế, nhiều KCN chưa có hệ thống XLNTTT đã kêu gọi đầu tư; có KCN lấp đầy đến 70-80% diện tích vẫn chưa làm hệ thống XLNTTT, gây bất bình cho nhà đầu tư khi thuê đất với giá bao gồm cả chi phí dịch vụ XLNTTT, nhưng nước thải của Công ty lại không được xử lý ra loại A theo quy định. Nước thải của doanh nghiệp xả ra gây ô nhiễm bị dân “gõ cửa” phản ứng.

Doanh nghiệp đến “gõ” lại cơ quan quản lý KCN, nhưng nhiều BQL không biết  “gõ” ở đâu ra tiền xây dựng hệ thống XLNTTT…  Kết cục, môi trường và người dân lãnh  đủ!

Được biết, có những đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN chỉ đặt nặng chuyện thuê đất lấy tiền tiếp tục phát triển kinh doanh, còn xây dựng hệ thống XLNTTT  tốn bạc tỷ, nên họ thường “nấn ná” đến đâu hay đến đấy. Có đơn vị vì ít vốn nên kinh doanh theo kiểu “cuốn chiếu”: kêu gọi đầu tư cho thuê đất trước, lấy vốn tiếp tục đầu tư trở lại cho cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống XLNTTT. Có đơn vị lại không nắm luật, không thỏa thuận ràng buộc trách nhiệm ngay từ đầu với nhà đầu tư trong việc xây dựng hệ thống XLNTTT, dẫn đến tình trạng nhập nhằng, hoặc một vài KCN, hệ thống nước thải tuy hoạt động ổn định, nhưng do tính toán và tiên lượng lượng nước thải chưa đúng với thực tế xả thải, dẫn đến hệ thống xử lý quá tải, hiệu quả xử lý không cao như KCN Loteco, Amata. 

Song, dù ở tình trạng nào thì thời hạn từ nay đến cuối năm, các KCN cũng phải “tự thân vận động”, nếu còn muốn được giao đất kinh doanh hạ tầng KCN và muốn được mở rộng đầu tư…

Chạy đua nước rút…

Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa quản lý 5 KCN, nhưng hiện nay mới chỉ có KCN Tam Phước có hệ thống XLNTTT. Tháng 6 vừa qua, trạm XLNTTT của KCN này được đưa vào sử dụng với công suất thiết kế 3.000m3/ngày đêm (trong đó công suất giai đoạn 1 là 1.500m3/ngày đêm) với vốn đầu tư 12,2 tỷ đồng. Hệ thống này xử lý nước thải cho 37 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng lượng nước thải hiện thời là 1.000m3/ngày đêm.

Từ nay đến cuối năm, Tín Nghĩa sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống XLNTTT cho những KCN còn lại và trước mắt là giải quyết vấn đề  “lình xình” ở KCN Nhơn Trạch 3. Được biết, trước đây hai bên vẫn chưa thống nhất thỏa thuận được ai sẽ là người xây dựng hệ thống XLNTTT.

Trong khi đó, lượng nước thải khoảng 4.000m3/ngày đêm của 36 doanh nghiệp hoạt động đang “góp phần” gây ô nhiễm trầm trọng sông Thị Vải. Sau nhiều lần đàm phán, cuối cùng hai bên thống nhất phân công như sau: Formosa sẽ phải đầu tư xây dựng hệ thống XLNTTT trong phân khu KCN 300 hécta của mình, còn Tín Nghĩa sẽ xử lý nước thải cho những doanh nghiệp khác thuộc KCN  Nhơn Trạch 3.

Còn hệ thống XLNTTT của KCN Long Thành cũng được đưa vào hoạt động khoảng nửa năm nay với tổng kinh phí đầu tư tới 60 tỷ đồng. Với công suất giai đoạn 1 là 5.000m3/ngày đêm (trong tổng công suất toàn hệ thống 20.000m3/ngày đêm), hệ thống XLNTTT của Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành đã cơ bản xử lý được lượng nước thải hiện thời của KCN (khoảng 4.800m3/ngày đêm).

Dù có đến 80% lượng nước thải từ các nhà máy dệt nhuộm thải ra, nhưng theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Đồng Nai, chỉ còn chỉ tiêu về màu là vượt 1,5 lần. Để tiếp tục xử lý, ông Chu Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Sonadezi Long Thành cho biết: “Công ty cho xây dựng một hồ sinh thái rộng 5 hécta để chứa nước thải sau xử lý lần hai trước khi xả ra rạch Bà Chèo, đồng thời lắp đặt riêng hai hệ thống thoát nước mưa và nước thải công nghiệp sau xử lý để dễ dàng giám sát và quản lý”.

Hiện nay, ngoài 3 KCN có hệ thống XLNTTT hoạt động tương đối ổn định là KCN Biên Hòa 2, Amata và Loteco; KCN Tam Phước và Long Thành, Nhơn Trạch 2 mới đưa hệ thống XLNTTT vào hoạt động; một số khác cũng đang khởi động như: Sông Mây, Bàu Xéo, KCN Biên Hòa 1 cũng đang tiếp tục đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải với Biên Hòa 2.

Thế nhưng, hiện vẫn còn vài KCN tiếp tục… “im hơi lặng tiếng” cho dù Quyết định 2144 của UBND tỉnh đã đưa ra thời hạn cụ thể và yêu cầu khá cấp bách cho việc xử lý nước thải công nghiệp trên địa bàn. Vậy, những KCN không thực hiện hoặc chậm thực hiện theo QĐ 2144 của UBND tỉnh sẽ xử lý ra sao để tạo công bằng trong sân chơi thời hội nhập WTO?