Nghề rừng xóa nghèo cho người dân Long Khánh

Với diện tích lúa nước chỉ có 125ha, bình quân chưa đầy 72m2/người là bài toán khó, bắt buộc cấp ủy, chính quyền xã Long Khánh (Bảo Yên – Lào Cai) phải tính đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi theo hướng đa canh, nghĩa là kết hợp chăn nuôi, trồng trọt, làm dịch vụ với phát triển kinh tế rừng. Trong đó kinh tế rừng trở thành một trong những mũi nhọn vì đất lâm nghiệp chiếm trên 70% diện tích tự nhiên.

Ông Nông Văn Cường, cán bộ phụ trách nông – lâm nghiệp của xã cho biết: Ngoài nguồn lợi mỗi năm khai thác được trên 1.000m3 gỗ rừng trồng, thu gần 10 tỷ đồng, rừng còn cho người dân khai thác lá dong, bông chít, củi, măng và nhất là cây giang. Cây giang được khách hàng đặt mua, được khai thác và sơ chế thành từng thanh nhỏ, sấy khô vận chuyển về xuôi làm hàng thủ công mỹ nghệ. Trong 5 năm trở lại đây, phong trào trồng rừng của xã phát triển rất mạnh, bà con tự trồng được 50-70ha rừng /năm, còn năm nay bà con đăng ký trồng 80ha. Phần lớn lượng cây giống đều do bà con tự ươm với sự giúp đỡ của lâm trường huyện thay vì phải vận chuyển từ nơi khác đến nên tỷ lệ cây sống cao, chủ động trồng đúng thời vụ.

Từ năm 2005 trở lại đây, kinh tế rừng thực sự trở thành mũi nhọn xoá đói giảm nghèo ở Long Khánh. Gần đây, xã còn được đơn vị cơ khí Quân đội Z183 hỗ trợ hai máy băm dăm nứa, công suất 10 tấn /ngày, người trồng rừng càng phấn khởi vì đã giảm bớt sức lao động, tăng lượng sản phẩm bán ra cho nhà máy chế biến bột giấy của huyện.

Cũng theo ông Cường, trước đây, trên 3.000ha đất lâm nghiệp không đủ nuôi sống trên nửa vạn dân trong xã, nhưng nay đất ấy có rừng, bình quân mỗi hộ trên 2, 5 ha đã đem lại nguồn thu ổn định cho bà con với mức thu tương đương 400kg thóc /năm. Các loại cây tre, nứa, keo… trước đây thường được coi là cây tạp, nay cũng đem lại cho bà con bạc tỷ. Phong trào trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đã trở thành việc làm tự nguyện của người dân. ước tính, mỗi năm kinh tế rừng đã cho người dân Long Khánh thu gần chục tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65-70% tổng thu nhập của xã, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8%, thấp nhất so với các xã vùng sâu của huyện Bảo Yên nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.