Quảng Nam: Nước giếng, nước sông cạnh KCN đổi màu, bốc mùi

Sau hơn 7 năm hoạt động, hàng chục nhà máy tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc và Khu kinh tế mở Chu Lai vẫn xả toàn bộ chất thải độc hại vào các sông suối trong khu vực. Nước giếng khoan cũng chuyển màu và có mùi hôi khó chịu.

Con số 0 trong xử lý chất thải công nghiệp 

Khu công nghiệp ĐN-ĐN được xem là lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, nằm cách TP.Đà Nẵng khoảng 12 km với hơn 36 nhà máy đã và đang đưa vào hoạt động nhiều năm nay. Thế nhưng, hầu hết các nhà máy này không được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải.  

Khi bắt tay vào đầu tư xây dựng KCN tập trung qui mô lớn hàng trăm ha này, với qui hoạch chi tiết đã được thông qua, bao gồm các hạng mục san nền, xây dựng cơ sở hạ tầng đường, điện, cấp nước, hệ thống cây xanh và một hệ thống xử lý chất thải toàn khu khá qui mô và hiện đại được dự toán chi phí nhiều triệu USD.  

Thế nhưng, chủ dự án không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, một trong những hạng mục cấp thiết và vô cùng quan trọng bắt buộc phải ưu tiên đầu tư xây dựng như một cam kết bảo vệ môi trường sống.  

Ông Lành, Trưởng Ban quản lý KCN ĐN-ĐN ngậm ngùi tâm sự: “Trên dự án đầu tư KCN ĐN-ĐN có hợp phần đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải. Nhưng nguồn vốn đầu tư quá lớn, tỉnh chưa có nguồn vốn nên đành phải tạm gác lại…”.  

Vậy chất thải từ các nhà máy được xử lý như thế nào? Ông Lành cho biết, việc xử lý chất thải từ các nhà máy trong những năm qua, BQL đã vận động các nhà đầu tư tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Chủ yếu là các nhà máy  có mức độ ô nhiễm cao như chế biển thuỷ sản xuất khẩu… 

Mỗi một dự án, nhà đầu tư nào khá giả thì tự đầu tư xử lý bằng công nghệ tự chế như xây hồ chứa nước thải, sau đó xả ra hệ thống cống dẫn của KCN đưa ra sông suối trong khu vực.

Sau hơn 7 năm đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng, toàn bộ các nhà máy đang đi vào hoạt động tại KCN ĐN-ĐN mỗi nơi xây dựng cho mình một hệ thống xử lý chất thải riêng, chẳng có cơ quan chức năng nào giám sát chất thải được xử lý như thế nào.  

Giám đốc một nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu tại KCN này than thở rằng: ”Do chế biến thuỷ sản nên nước thải có mùi hôi khó chịu. Lúc xây dựng nhà máy, tưởng KCN ĐN-ĐN có hệ thống xử lý chất thải nên yên tâm đầu tư xây dựng nhà xưởng. Nào ngờ, khi nhà máy đi vào hoạt động, do không có hệ thống thu gom xử lý chất thải, nên tụi tui phải chạy đôn chạy đáo huy động thêm nguồn vốn hàng trăm triệu đồng đầu tư khu xử lý chất thải cho riêng mình. Nhưng chỉ mới xử lý bước đầu về mùi hôi. Còn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường thì chưa thấy cơ quan nào hỏi đến…”.

Có thể nói không có hệ thống xử lý chất thải nào của các chủ dự án tự bỏ tiền đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn theo qui định. “Thấy chẳng có cơ quan chức năng nào đặt vấn đề với nhà máy về xử lý chất thải, nên tụi tui nín, được ngày mô hay ngày nấy. Tiền vốn đầu tư hết vô nhà máy rồi. Chừ mà đầu tư xây dựng thêm hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn mất tiền tỷ như chơi. Thôi cố chờ nhà máy xử lý chất thải tập trung của KCN ĐN-ĐN xây dựng, mình trả phí đỡ tốn hơn…” – một giám đốc của nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tâm sự.

Không riêng gì KCN ĐN-ĐN, ngay cả Khu kinh tế mở Chu Lai, hàng chục nhà máy đã và đang đưa vào sử dụng, nhưng tìm đỏ con mắt cũng không thấy khu xử lý chất thải. Mặc dù, khi triển khai dự án đầu tư, một nhà máy xử lý chất thải cho toàn khu cũng đã được lập và thông qua với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Nhưng đã hơn 6 năm trôi qua, vẫn không thấy hình dáng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp cho toàn khu. Chủ dự án cứ đổ thừa do chưa có nguồn vốn, thế là yên, chẳng có ai bắt buộc, hơi đâu mà đầu tư cho tốn tiền.  

Ngoài hai KCN lớn của tỉnh không có hệ thống xử lý chất thải, các KCN nhỏ và vừa tại đô thị Tam Kỳ, Hội An lại càng thê thảm hơn. Ở đây người ta không có khái niệm bảo vệ môi trường. Toàn bộ chất thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất được xả ra hệ thống cống rãnh và tống vào sông suối trong khu vực. Nhiều con sông suối tại Tam Kỳ và Hội An đã bắt đầu xuất hiện mùi hôi thối và màu nước đen đặc quánh ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận dân cư trong khu vực. 

Hiểm hoạ môi trường được báo trước 

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên môi trường đề nghị không nêu tên khẳng định rằng, môi trường sống đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi chất thải từ các nhà máy tại các KCN trên địa bàn không được xử lý theo qui định.  

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở TNMT Quảng Nam khẳng định: Vấn đề cấp thiết đặt ra là chủ dự án các KCN tập trung phải khẩn trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải cho toàn khu. Đây là yêu cầu bắt buộc cho bất kỳ dự án đầu tư nào. Nếu không có phương án và biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, thì tốt hơn hết là không cho đầu tư xây dựng, bất kể là dự án lớn hay nhỏ. 

Ông Nguyễn Hồng, người dân sống gần KCN ĐN-ĐN kể, từ ngày các nhà máy đi vào hoạt động bà con trong khu vực thấy khó thở, người già, trẻ con thường hay đau. Khổ nhất là diện tích đất canh tác gần khu vực xả nước thải của các nhà máy không thể nào sản xuất được. Nhiều khu vực sông suối quanh khu vực, nước đã bắt đầu chuyển màu và đã bốc mùi khó chịu. 

Ông Nguyễn Hải Hưng, nhà ở KCN Bắc Chu Lai phản ánh, chuyện ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà con ở đây chưa lộ rõ, nhưng điều có thể nhận thấy dễ nhất là nước sinh hoạt từ các giếng khoan đã bắt đầu chuyển màu, và có mùi hôi khó chịu. Ngay tại các khu vực sông suối quanh KCN nước cũng đã đổi màu, hàng chục ha nuôi tôm của bà con gần KCN không thể thả nuôi được vì nguồn nước đã bị ô nhiễm.  

Một nhà nghiên cứu đề tài bảo vệ môi trường cấp nhà nước đề nghị không nêu tên khi đặt chân đến các KCN lớn và vừa tại Quảng Nam đã lắc đầu than thở: ”Điều nghịch lý tại Quảng Nam trong nhiều năm qua là dồn sức tập trung tiền của để đẩy nhanh phát triển công nghiệp với tổng nguồn vốn đầu tư hàng tỷ USD. Nhưng không hề đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải.  

Nếu đánh giá tác động môi trường tại các KCN tập trung không cần phải nhờ đến kỹ thuật máy móc, mà bằng mắt thường cũng có thể kết luận rằng, tại các khu vực này đang báo động tình trạng môi trường bị đe doạ nghiêm trọng.

Nhiều nhà khoa học nghiên cứu môi trường tại khu vực miền Trung đưa ra dự báo, tại Quảng Nam trong vòng 10 năm tới tại các KCN tập trung này, nếu không có kế hoạch lâu dài, đồng bộ và biện pháp mạnh trong công tác bảo vệ môi trường thì cả khu đô thị cổ Hội An và các khu du lịch ven biển cùng hàng loạt các khu đô thị lớn và nhỏ trong khu vực, môi trường sống của người dân sẽ bị đe doạ nghiêm trọng.  

Đến lúc đó cho dù có đầu tư hàng tỷ USD cũng không cứu vãn và khắc phục được hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải từ các nhà máy công nghiệp thải ra hàng ngày không được xử lý. Tốt nhất là ngay từ bây giờ phải đặt ra tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt.

Tuy nhiên lời cảnh báo của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn đưa ra từ nhiều năm nay chưa được tỉnh Quảng Nam quan tâm.

Cái lý của sự không mấy quan tâm đến vấn nạn môi trường là do không có tiền để đầu tư, mà nói như một cán bộ lãnh đạo ngành môi trường của tỉnh than thở là “chúng ta đang ăn nợ vào tương lai”! 

Ngay hàng loạt dự án nhà máy thuỷ điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đã và đang được đầu tư xây dựng, người ta chỉ tính đến cái lợi trước mắt mà vẫn chưa tính được cái hại lâu dài. Đó là hàng trăm nghìn ha rừng bị tàn phá do ngập nước từ các lòng hồ của các nhà máy thuỷ điện. Thế nhưng chưa thấy chủ dự án nào đưa ra phương án bảo vệ và phục hồi rừng đầu nguồn bằng các dự án tái sinh, trồng mới để bù lại diện tích rừng đã bị mất.

Đến thời điểm này, mặc dù các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước đã lên tiếng đánh động, nhưng vẫn chưa thấy bất kỳ động thái nào từ chính quyền địa phương Quảng Nam về công tác bảo vệ môi trường. 

Không biết tương lai rồi đây hậu hoạ gì sẽ giáng xuống đầu người dân lành, một khi môi trường sống bị đe doạ bởi chất thải công nghiệp từ các nhà máy đổ ra sông suối mỗi ngày hàng chục tấn chất thải công nghiệp độc hại. 

Nhận thấy tình trạng nguy cấp của vấn nạn môi trường từ các khu công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh khẳng định cần phải khẩn trương đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải  tại các khu công nghiệp. Bởi như lời ông Ánh khẳng định là vì sự an toàn của phát triển kinh tế trong tương lai. 

Mới đây tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt một dự án nhà máy xử lý chất thải cho toàn khu CN ĐN-ĐN với tổng nguồn vốn hơn 36 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng tại thôn Ngân Trung, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, với diện tích sử dụng đất là 2,25ha. Nhà máy có công suất xử lý 5.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn 1 là 24.051.703.000 đồng, được triển khai từ năm 2007 đến năm 2009, do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Quảng Nam – Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là hạn chế ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường công nghiệp nhằm phát triển kinh tế bền vững. 

Dự án đã được phê duyệt, tất nhiên còn phải chờ. Nhưng sự ô nhiễm và tàn phá môi trường từ chất thải của các nhà máy tại các khu công nghiệp thì chẳng biết, và chẳng cần phải chờ ai.