Phát hiện vụ đổ trộm rác thải công nghiệp tại bãi rác Như Quỳnh

Ngày 14/09, lực lượng cảnh sát môi trường (C36 – Bộ Công an) đã phát hiện một chiếc xe ô tô đi vào khu vực bãi rác thải Như Quỳnh (thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên) để "trút" rác thải.

Qua điều tra ban đầu, lực lượng C36 đã phát hiện đây là loại rác thải công nghiệp, nguồn gốc từ Công ty Cổ phần Kinh đô. Sau khi làm việc với lãnh đạo Cty Cổ phần Kinh đô, kết quả mà C36 thu nhận được là Cty Cổ phần Kinh đô có ký hợp đồng với một Cty xử lý rác thải “vô danh”. Theo đúng quy định của Hợp đồng, Cty này phải thu gom và xử lý rác đúng nơi quy định nhưng thay vì xử lý theo quy trình, Cty này đã tự ý đổ rác thải vào bãi rác ở thị trấn Như Quỳnh, việc làm này diễn ra đã hơn 6 năm nay (2001 – 2007).
 
Đại tá Lương Minh Thảo – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C36) cho biết, C36 đang tiếp tục điều tra để làm rõ vụ việc này. Trước mắt, C36 sẽ kiến nghị UBND thị trấn Như Quỳnh có trách nhiệm tổ chức lực lượng ngăn chặn không cho rác được tiếp tục chở vào đây bằng mọi hình thức như tổ chức tuần tra, chốt gác. Mặc dù chỉ là bãi rác tự phát nhưng diện tích của bãi rác rộng hơn 500m2, là địa điểm lý tưởng để các phương tiện chở rác về đây đổ. Theo Đại tá Thảo, địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì để vụ việc xảy ra trên địa bàn. Về phía công an huyện Văn Lâm phải hỗ trợ nếu cần thiết và tới đây, cần di dời bãi rác này đến nơi quy hoạch.
 
Theo quy định của Luật BVMT, đơn vị nào gây hậu quả thì chính đơn vị đó phải chịu trách nhiệm giải quyết. Vấn đề này được TP. Hà Nội hứa là sẽ “chung tay” giúp sức bằng cách hỗ trợ nơi đổ rác và một phần kinh phí xử lý.
 
Ghi nhận của lực lượng cảnh sát môi trường khi có mặt tại hiện trường cho thấy, tại đây hầu hết đều là rác thải công nghiệp, trong khi đó, ông Phó Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh khẳng định như đinh đóng cột: nơi đây chỉ chứa rác thải dân sinh (?). “Chúng tôi sẽ phải làm rõ nguồn gốc đất, trách nhiệm của những người được sử dụng đất ở đây và xử phạt nghiêm chủ đất để ngăn chặn không cho tình trạng này tiếp tục tái diễn”, Đại tá Lương Minh Thảo khẳng định. Việc tồn tại bãi rác tại thôn Minh Khai ảnh hưởng đến tiêu thoát nước và gây khói bụi khi đốt rác làm ô nhiễm môi trường dân cư lân cận, đặc biệt ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân 3 xã: Dương Quang, Dương Xá, Phú Thụy (huyện Gia Lâm). Mặc dù lãnh đạo Sở TN-MT&NT Hà Nội và Sở TN&MT Hưng Yên đã có những cuộc họp bàn để đi đến thống nhất biện pháp xử lý ô nhiễm, nhưng đến nay tình hình vẫn không thay đổi. Và cuộc họp gần đây nhất diễn ra vào ngày 14/09/2007.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày có khoảng 5 tấn rác thải được đốt tạo thành những luồng khói lớn kèm theo mùi khét lẹt bao vây cả thôn Minh Khai và các xã lân cận. Con sông Thiên Đức chảy qua làng có màu đen đặc, bốc mùi hôi thối vì là nơi gột rửa của hàng trăm tấn phế liệu mỗi ngày và là một trong những nguyên nhân làm “chết” sông Cầu. Dọc theo thị trấn Như Quỳnh, hàng trăm các bao tải rác nilon, vỏ chai nhựa… được chất thành những đống cao ngập đầu người với mùi ô nhiễm nồng nặc. Theo số liệu khảo sát của Viện khoa học công nghệ và môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) thì tình trạng môi trường ở làng Khoai có các dạng ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm sinh vật và ô nhiễm dầu. Hàm lượng Amoniắc, nitrit… xuất hiện hầu hết tại các giếng khoan của các gia đình làm nghề trong làng. Các yếu tố chỉ mức độ ô nhiễm hữu cơ gồm BOD và COD đều vượt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho phép. Mật độ vi khuẩn coliform ở các ao hồ, kênh mương trong làng gấp hàng chục lần TCVN. Lượng bụi ô nhiễm trong không khí vượt gấp 6 lần so với TCVN.
 
Với sự “ra tay” của lực lượng C36, hy vọng vấn đề ô nhiễm môi trường tại thôn Minh Khai sẽ sớm được giải quyết dứt điểm .