Mô hình toàn cầu về vệ sinh bền vững

Trước đây khi nói đến Erdos – thành phố nằm phía Tây Nam khu tự trị Nội Mông (Bắc Trung Quốc), người ta thường nghĩ tới Len cashmere và hoạt động khai thác than đá vốn là đặc trưng của vùng này. Nhưng nay, Erdos đang được biết đến với dự án vệ sinh bền vững mang tên Thành phố sinh thái Erdos Trung Quốc – Thụy Điển. Erdos cũng là nơi diễn ra Hội nghị quốc tế về vệ sinh bền vững 2007 với chủ đề “Thành phố và xóm làng sinh thái”, từ 26 đến 31/08 tới.

Thành phố sinh thái Erdos Trung Quốc – Thụy Điển” (CSEET) là dự án hợp tác giữa Viện Môi trường Stockholm (SEI – Thụy Điển) và quận Dongsheng của Erdos trong khuôn khổ chương trình EcoSanRes do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ. “Cho đến nay, đây là dự án có qui mô lớn nhất thế giới, áp dụng công nghệ vệ sinh sinh thái vào các tòa nhà cao tầng ở đô thị” – Tiến sĩ Arno Rosemarin, giám đốc phụ trách nghiên cứu và truyền thông của EcoSanRes cho biết. Theo tiến sĩ Rosemarin, đây là lần đầu tiên hệ thống toilet sinh thái khô phân dòng nước tiểu được áp dụng trên diện rộng trong các chung cư cao tầng và ở thành thị. Sau 2 năm triển khai dự án, cuối năm 2005, hơn 830 hộ gia đình đã chuyển vào CSEET và hiện đang hưởng lợi từ giai đoạn đầu của dự án, dự kiến hoàn tất trong vài năm nữa.
CSEET có hệ thống vệ sinh riêng biệt với tính năng thu gom – phân lập nước tiểu và phân, xử lý nước thải từ nhà bếp và máy giặt, phân loại và thu gom rác thải khô, chế thành phân trộn và tái sử dụng trong nông nghiệp. “Đây có thể là mô hình toàn cầu về vệ sinh bền vững”, Tiến sĩ Rosemarin nói. Từ trước đến nay, nguồn nước sinh hoạt ở quận Dongsheng chủ yếu từ nước ngầm. Lượng mưa hàng năm chỉ khoảng 300-400 mm khiến khu vực này thường xuyên rơi vào cảnh thiếu hụt nước và nước sinh hoạt được cấp theo đầu người. Trong số 60 ngàn hộ gia đình ở Dongsheng, chỉ 1/3 có bồn cầu xả nước trong khi số còn lại chia sẻ 470 nhà xí công cộng, đa phần thuộc dạng hố đào âm xuống đất.
Theo Tiến sĩ Rosemarin, tất cả chung cư trong CSEET đều được trang bị toilet khô phân dòng nước tiểu gồm 2 lỗ riêng cho phân và nước tiểu. Sự phân lập này nhằm hạn chế mùi hôi và giảm nguy cơ vi sinh vật rò rĩ ra ngoài, nhờ vậy góp phần hạn chế những dịch bệnh thông thường. Với hệ thống toilet khô, phân được “dội” bằng mùn cưa, thay vì bằng nước, xuống hộc chứa dưới tầng hầm chung cư và trữ ở đó 3 hoặc 4 tháng trước khi chuyển đến nhà máy xử lý thành phân trộn. Sau 7 ngày được khử ở nhiệt độ trên 500C, phân đủ độ an toàn để bón cho hoa màu và cây trồng. Trong khi đó, nước tiểu được tập trung trong hệ thống bồn chứa âm trong lòng đất (1 bồn dùng cho 2 hoặc 3 tòa chung cư), và sau đó được xử lý để tái dùng trong canh tác. Tương tự, nước thải sinh hoạt cũng được xử lý tại chỗ và tái sử dụng để tưới cây cỏ. Chất thải rắn thì được phân loại và tái chế trong khi chất thải hữu cơ thì trộn với phân. Và như thế hệ thống vệ sinh sinh thái tạo thành một chu trình khép kín: con người –> nước tiểu & phân –> phân bón an toàn –> đất –> cây trồng –> thực phẩm –> con người.
“So với toilet xả nước, toilet khô có thể tiết kiệm 1/3 lượng nước dội và mang lại một giải pháp vệ sinh bền vững, giảm mức ô nhiễm xuống bằng 0 và góp phần bảo vệ môi trường”, Sun Lixia – trưởng văn phòng dự án CSEET nói về những lợi ích mà dự án mang lại. Hệ thống vệ sinh sinh thái này còn góp phần giảm tải cho hệ thống thoát và xử lý nước thải. Theo Lixia, dự án này cũng có thể trở thành hình mẫu cho đề án xây dựng “nông thôn mới bền vững” mà chính phủ Trung Quốc đang theo đuổi. Tiến sĩ Rosemarin cho rằng mô hình thành phố sinh thái thích hợp không chỉ với khu vực thiếu nước như Dongsheng mà cả với những vùng lụt lội và những thành phố thiếu hệ thống vệ sinh bền vững. Trong bối cảnh trên thế giới có ít nhất 2,6 tỉ người sống trong điều kiện vệ sinh không bảo đảm, dự án CSEET cần được nhân rộng ra toàn thế giới nhằm hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người không tiếp cận điều kiện vệ sinh cơ bản vào năm 2015 mà Liên Hiệp Quốc đề ra.