Luật Bảo vệ môi trường “quên” chất thải công nghiệp?

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2005 và Luật Đầu tư “vênh” nhau về nội dung quản lý môi trường đối với các dự án đầu tư là nhận xét chung của nhiều vị lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường các tỉnh, thành khi nhìn lại một năm thực hiện Luật BVMT.

Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội cho biết: “Điều kiện để đăng ký đầu tư tuy có nội dung về cam kết bảo vệ môi trường, nhưng trong các điều kiện thẩm tra dự án để cấp giấy chứng nhận đầu tư lại không nêu rõ mức độ chi tiết của cam kết hoặc giải pháp bảo vệ môi trường cũng như yêu cầu về đánh giá tác động môi trường (ĐTM)”.

Thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM cũng không thống nhất giữa các văn bản pháp quy, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước, ít nhiều làm giảm sức thu hút của môi trường đầu tư.

Cũng liên quan đến vấn đề này là câu hỏi: “Hồi tố” như thế nào đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc diện phải lập báo cáo ĐTM theo Luật BVMT 2005 nhưng trong quá trình đầu tư chưa thực hiện. Trưởng phòng Quản lý môi trường Sở TNMT Bắc Ninh đưa ra đề xuất bổ sung vào Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 80 về thực hiện Luật BVMT quy định yêu cầu các cơ sở thuộc diện này phải thực hiện ĐTM kèm theo chế tài đủ nghiêm khắc nếu cơ sở cố tình “bỏ qua” các quy định, tỏ ra vô trách nhiệm với cộng đồng!

Một vấn đề khác được đại diện Sở TNMT Hà Tây nêu ra là trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, đã có một loại quan trọng bị “lãng quên”. Luật BVMT hiện hành mới chỉ đề cập tới chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại, còn chất thải công nghiệp (tuy không nguy hại nhưng cũng đòi hỏi cách thức quản lý và xử lý rất khác so với chất thải sinh hoạt) thì lại chưa được đề cập tới!.