Liên hiệp quốc lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm

Lo ngại trước những yếu kém trong hệ thống bảo đảm an toàn thực phẩm trên khắp thế giới, ngày 19/7 Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi tất cả các quốc gia thận trọng khi xử lý hoạt động của các nhà buôn và các nhà sản xuất mà sản phẩm của họ có thể ảnh hưởng xấu đến hệ thống cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng.

Hai cơ quan nói trên của LHQ cho rằng những phát hiện gần đây về việc sử dụng hoá chất công nghiệp trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và sử dụng quá nhiều một số loại thuốc thú y là bằng chứng cho thấy các cơ quan chức năng đã thiếu thận trọng khi xử lý các vụ vi phạm của các nhà sản xuất, gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của người tiêu dùng và hệ thống thương mại quốc tế. LHQ cho rằng sự thiếu hiểu biết về những yêu cầu an toàn thực phẩm và việc sử dụng bất hợp pháp hoặc gian dối một số loại hoá chất bị cấm là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hàng loạt thực phẩm bị phát hiện không đủ tiêu chuẩn an toàn gần đây.

WHO và FAO cho biết trong 12 tháng qua, trung bình mỗi tháng các cơ quan chức năng của LHQ phải điều tra tới 200 vụ liên quan tới an toàn thực phẩm. LHQ cho rằng an toàn thực phẩm đang là vấn đề của mọi quốc gia và mọi người tiêu dùng. Thông cáo của WHO và FAO viết: Các quốc gia chỉ có thể giữ vững được thị phần của mình trên toàn cầu và niềm tin của người tiêu dùng khi tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng phải được thông tin về rủi ro độc hại trong thực phẩm và phải được bảo vệ trước những nguy cơ này.

Hai cơ quan của LHQ cho rằng cả các nước đã phát triển lẫn các nước đang phát triển đều có những lỗ hổng trong hệ thống bảo đảm an toàn thực phẩm. Sự lan tràn của các sản phẩm sữa nhiễm khuẩn Salmonella ở các nước phát triển những năm gần đây là bằng chứng cho thấy an toàn thực phẩm không phải là vấn đề riêng của các nước đang phát triển.

FAO và WHO ủng hộ các chính phủ nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, cưỡng chế, phân tích trong phòng thí nghiệm, chẩn đoán, giám sát và sẵn sàng đối phó với nguy cơ ngộ độc hàng loạt. FAO và WHO khẳng định rằng họ sẵn sàng tư vấn khoa học cho các quốc gia về các vấn đề an toàn thực phẩm.