Trung Quốc đóng cửa 5 nhà máy hoá chất

ThienNhien.Net – Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (LHQ) UNEP, Trung Quốc – nước sản xuất CFC và halon lớn nhất thế giới đã giải thể năm trong số sáu nhà máy còn lại ở thành phố Chiangshou, gần Thượng Hải. Vào hôm Chủ nhật (01/07/2007), chính quyền Trung Quốc đã tổ chức một buổi lễ giải thể ghi nhận cố gắng của những công ty hóa chất trong việc ngưng sản xuất các sản phẩm gây nguy hại cho tầng ôzôn, nằm trong sáng kiến “Nhìn vào Tương Lai của chúng ta” (Remembering Our Future) của UNEP.

Như vậy, lượng khí CFC đang sản xuất ở Trung Quốc đã chỉ còn khoảng 550 tấn, giảm từ mức 55.000 tấn cao điểm năm 1998. Và trước mắt, nước này còn lại hai năm rưỡi cho đến kỳ hạn 2010 theo như hạn cuối cùng của Nghị định thư Montreal trong việc cắt giảm lượng các chất làm suy giảm ôzôn trong khí quyển.  
UNEP ước tính, nếu không có Nghị định thư Montreal thì sẽ có thêm tới 20 triệu ca ung thư da và 130 triệu ca bị bệnh đục nhãn cầu mắt do hậu quả của việc suy giảm tầng ôzôn. Theo lời ngài Achim Steiner, Giám đốc điều hành UNEP, Nghị định thư này đang đạt được thành công vượt bậc trong những năm gần đây với hơn 95% các chất làm suy giảm ôzôn được cắt giảm dần dần. “Thành công này cũng nhấn mạnh, với quyết tâm chính trị, các cơ chế tài chính sáng tạo và sự hỗ trợ cho các ngành công nghiệp và các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng quốc tế có thể vượt qua những thách thức của phát triển bền vững”.Nhờ vào nghị định thư Montreal, và sự hỗ trợ của Quỹ Đa phương ở 140 nước đang phát triển, các loại hợp chất gây ảnh hưởng đến tầng ozon đã được cắt giảm từ từ trên toàn thế giới. Các chất như CFC và halon đã bị cấm ở các nước phát triển từ năm 1996 ngoại trừ một phần nhỏ vẫn được sử dụng. Điều này đã khiến cho Trung Quốc trở thành nước sản xuất nhiều nhất các chất này tại thời điểm đó. Sau việc làm vừa qua của Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc sẽ trở thành 2 nhà sản xuất hàng đầu hai chất nói trên ở châu Á Thái Bình Dương. Vào năm 2010, việc sản xuất các hợp chất làm suy giảm ôzôn sẽ bị cấm hoàn toàn ở các nước đang phát triển, trong đó có các quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương.