Tăng cường kiểm tra hàng thủy sản xuất sang Nhật

Theo một quyết định mới của Bộ Thuỷ sản, chỉ những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ này mới được phép xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

Quyết định ban hành ngày 11/07 về việc áp dụng những biện pháp cấp bách kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh cấm trong thuỷ sản xuất khẩu vào Nhật Bản cũng quy định các doanh nghiệp này phải thực hiện kiểm tra chứng nhận Nhà nước về dư lượng, hoá chất kháng sinh cấm đối với 100% lô hàng giáp xác (tôm, cua, ghẹ… ), nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc…). 
 
Bộ Thuỷ sản cũng quy định cụ thể các trường hợp doanh nghiệp có bao nhiêu lô hàng thuỷ sản từng bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh cấm thì không được phép xuất khẩu hai nhóm hàng này vào thị trường Nhật Bản. 
 
Các doanh nghiệp bị cấm chỉ được phép xuất khẩu trở lại khi có báo cáo đúng nguyên nhân, thiết lập biện pháp khắc phục có hiệu quả và được Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản (Nafiqaved) công nhận. 
 
Quyết định này cũng yêu cầu các doanh nghiệp thuỷ sản kiểm soát nghiêm ngặt hơn chất lượng nguyên liệu nhập khẩu, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu trong lô hàng thành phẩm khi xuất khẩu. 
 
Nafiqaved được yêu cầu khẩn trương xây dựng, trình Bộ ban hành quy định về chế độ giám sát, kiểm tra Nhà nước về điều kiện sản xuất thuỷ sản. 
 
Trước những cảnh báo của phía Nhật Bản về tình hình nhiễm dư lượng kháng sinh trong hàng thuỷ sản của Việt Nam thời gian gần đây, Bộ Thuỷ sản đã thực hiện nhiều biện pháp cấp bách như họp bàn với doanh nghiệp về biện pháp xử lý, ban hành các văn bản chỉ đạo về kiểm soát và nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thuỷ sản. 
 
Thống kê từ Bộ Thuỷ sản, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản đã đạt khoảng 1,64 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các thị trường chính vẫn là EU chiếm 24,4%; Hoa Kỳ 18,3%; Nhật Bản 17%.