Ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp

Các khu công nghiệp (KCN) được phân bố chủ yếu ở các vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và ven biển miền Trung. Hầu hết các KCN được xây dựng bám đường quốc lộ và nằm sát khu dân cư, nên tình trạng ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi. Ô nhiễm môi trường qua khói, bụi và nguồn nước thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường ngày càng trầm trọng.

Hầu hết các KCN không có trạm xử lý chất thải tập trung. Hiện tại, mức độ đầu tư xử lý cục bộ các nguồn ô nhiễm không khí của các nhà máy trong KCN còn rất thấp, cộng với tình trạng ô nhiễm do giao thông vận tải gây ra, làm cho môi trường không khí tại một số KCN đã có dấu hiệu ô nhiễm, đặc biệt một vài nơi đã ô nhiễm nặng.
Nguyên nhân chính là do sự nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường trong các KCN nói riêng của chính quyền địa phương chưa thực sự được coi trọng; chưa coi môi trường KCN là một nhiệm vụ quản lý nhà nước, chưa đánh giá được đúng mức tầm quan trọng của môi trường trong mối quan hệ bền vững giữa hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong KCN, cũng như giữa KCN với khu vực bên ngoài.
Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong KCN cũng chưa hoàn chỉnh. Chưa hình thành hệ thống các quy định thống nhất về công tác quản lý môi trường trong KCN theo các loại hình ô nhiễm (rắn, lỏng, khí). Quy định về thẩm định môi trường đối với các dự án trong KCN còn chậm được đổi mới và chưa có chế tài mang tính ràng buộc cao…
Hơn nữa, việc quản lý, giám sát xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong KCN lại càng khó khăn hơn khi các văn bản quy định chưa rõ ràng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đối phó với cơ quan chức năng. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và tại các KCN nói riêng, quý I/2007, Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ Công an ra mắt lực lượng cảnh sát môi trường. Lực lượng này sẽ tham mưu giúp Bộ Công an trong việc tổ chức phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; giám sát, thực thi, xử lý hành chính các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cá nhân có hành vi vi phạm có tính chất phức tạp, đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm; chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về nhập khẩu phế liệu, xử lý chất thải đối với các doanh nghiệp, tổ chức gây ô nhiễm môi trường; điều tra, kiểm tra, khởi tố những tội phạm môi trường; cưỡng chế thi hành pháp luật về môi trường. Đặc biệt, lực lượng này có quyền kiểm tra đột xuất việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.