Trả 2 con Culi về Vườn quốc gia Cúc Phương

Một hướng dẫn viên du lịch đã quyết định mua Culi ở Lào Cai để trả về Vườn quốc gia Cúc Phương. Chuyên gia Vườn tiếp nhận nhưng cho rằng không nên mua dù với ý định tốt vì sẽ khuyến khích mua bán động vật hiếm…

Vào chiều 7/6, tại Hà Nội, anh Trần Văn Hùng ở TP Hà Đông, Hà Tây đã trao tặng 2 con Culi con cho các chuyên gia Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương. Đây là 2 trong số 3 con Culi đã được anh Hùng mua lại của một người dân tộc tại Bắc Hà, Lào Cai từ dạo cuối tháng 5 với giá 200.000 đồng. Một trong số 3 con mà người ta cho là con Culi mẹ đã trốn mất sau đó.

Anh Hùng cho biết, khi đưa khách đi tham quan, gặp người bán Culi, anh thấy thương loài thú này vì nó ’’giống khỉ’’ và nói với các du khách sẽ mua tặng VQG Cúc Phương- nơi anh đã đến tham quan nhiều lần.

Khi mua về anh Hùng vào mạng internet để tìm hiểu về loài này mới biết đây là loài thú quý hiếm thuộc Nhóm 1B theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ. Theo đó, đây là động vật nghiêm cấm khai thác buôn bán với mục đích thương mại. Sau đó, anh đã liên hệ với Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV) nhờ chuyển các con Culi tới Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Theo PGS Hà Đình Đức và cộng sự trên Tạp chí Hoạt động Khoa học, Culi là loài thú hoàn toàn sinh hoạt trong đêm tối và rất nhút nhát. Một số địa phương gọi chúng là con Cù lần và cho rằng bắt gặp chúng không đem lại điều may mắn. Cu li bị bắt và đem bán khá nhiều ở các chợ động vật để làm cảnh, đặc biệt đối với khách nước ngoài, vì trông chúng rất hiền lành, đáng yêu mà giá cả lại rất rẻ. Một con Culi lùn giá chỉ khoảng 50.000 đồng, còn một con Culi lớn đắt gấp 6 lần (được treo giá 300000 đồng). Trong thiên nhiên chúng là loài thú ít hoạt động, rất hiền lành và chậm chạp. Khi bắt gặp chúng người ta có thể bẻ cả cành cây và con vật vác về tận nhà. Đó chính là mối đe dọa tiềm ẩn đến sự tồn tại của chúng ngoài thiên nhiên.

Sách đỏ Việt Nam, 2000 và IUCN xếp hai loài Cu li lớn và Cu li lùn vào độ nguy cấp bậc V (Vulnerable) – có nguy cơ đe doạ tuyệt chủng trong tương lai gần.

Về hai con Culi mà anh Hùng mua, các chuyên gia xác định chúng mới 3 – 4 tháng tuổi, nhỏ bé và non nớt, mỗi con chỉ nặng chừng 2-3 gam. Culi là loài rất nhạy cảm, sợ người, hay thu mình vào khoảng kín và rất dễ chết khi thay đổi môi trường sống. Tuy nhiên, hai con Culi con này đã đủ tuổi để tách mẹ nên có thể tự kiếm ăn được.

Chuyên gia VQG Cúc Phương là ông Tilo Nadler ghi nhận hành động tốt của anh Hùng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này thì khi gặp người bán động vật hoang dã, anh Hùng cũng như mọi người dù có ý định tốt vẫn không nên mua.

Hành động đúng, theo ông Tilo Nadle là từ chối mua và tuyên truyền cho người dân hiểu không nên săn bắt, mua bán động vật hoang dã. Đồng thời, thông báo cho Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV) để phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý.

Hiện nay số lượng loài này không còn nhiều ở Việt Nam và cũng không ai biết số lượng còn bao nhiêu. Chị Elke Schwerz, chuyên gia nuôi thú linh trưởng (Trung tâm cứu hộ Thú linh trưởng) cho biết, cách đây 4-5 năm, còn thấy bán Culi ở các chợ, thậm chí ở nhiều chợ lớn tại Hà Nội như Đồng Xuân, chợ Hôm nhưng giờ tìm không thấy con nào.

Ngay sau khi nhận chuyển giao, 2 con Culi con nói trên sẽ được đưa về Vườn Quốc gia Cúc Phương để tiến hành kiểm dịch, kiểm tra sức khỏe trong vòng 6 tuần và sẽ được sống chung cùng với những con Culi khác đang được cứu hộ.