Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Đa dạng sinh học là nền tảng của sự sống trên Trái đất, thế nhưng những hoạt động của con người đang trực tiếp hay gián tiếp làm ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng tới các vùng sinh thái. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, bằng việc phá huỷ đa dạng sinh học, con người đang đánh liều với cuộc sống của chính mình, phá vỡ sự ổn định của khí hậu và thời tiết, đe dọa tới sự sinh tồn của các loài vật khác và hủy hoại những lợi ích mà đa dạng sinh học mang đến cho chúng ta.

Các loài động vật như hổ ở Ấn Độ, tắc kè hoa ở vùng Madagascar; các loài gỗ đỏ như tùng, bách ở California và các loài giun hình ống ở các miệng phun thuỷ nhiệt dưới đáy đại dương có đặc điểm gì chung? Chúng đều là những thành phần không thể thiếu tạo nên sự đa dạng sinh học cho Trái đất. Có thể nói, đa dạng sinh học là tổng thể những sinh vật sống trên Trái đất. Đó cũng là nền tảng làm nên sự sống của con người.

Đa dạng sinh học là nguồn cung cấp cho những dịch vụ sinh thái, từ việc lọc nước cho tới sản xuất thức ăn, chu trình cácbon và những dịch vụ này đáng giá hàng tỉ tỉ đô la mỗi năm. Mặc dù đa dạng sinh học có tầm quan trọng như vậy nhưng nó đang đứng trước những mối đe dọa nghiêm trọng. Những hoạt động của con người đang phá hủy các vùng sinh thái phong phú như: rừng nhiệt đới, vùng đất ngập nước, các rạn san hô, các cánh đồng cỏ, và có nguy cơ biến hành tinh của chúng ta thành một nơi cằn cỗi. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chính loài người.

Chính vì những lí do đó, mất đa dạng sinh học là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà sinh học. Trong khi chúng ta còn tranh luận về quy mô của tình trạng mất đa dạng sinh học đang xảy ra, có một chút hoài nghi rằng chúng ta đang sống ở thời đại mà tốc độ biến mất của các loài lớn hơn tiêu chuẩn sinh học đã được thiếp lập. Sự tuyệt chủng đã diễn ra trong nhiều năm qua, và thực tế đó là số phận cuối cùng của tất cả các loài, nhưng hiện nay, tỉ lệ đã lên tới ít nhất 100loài/1triệu loài/năm so với tỉ lệ thông thường trước đây là 1loài/1triệu loài/năm và con số này có thể còn tăng cao nữa.

Ít ai có thể biết rõ về tình trạng tuyệt chủng hơn tiến sĩ Peter Revan, Giám đốc vườn thực vật Missouri. Ông chính là tác giả của hàng trăm bài viết và cuốn sách nghiên cứu khoa học, những thành tựu trong suốt qúa trình nghiên cứu sinh học của ông có thể tổng hợp lại thành một cuốn bách khoa. Do đó, ông đã trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu trên thế giới về đa dạng sinh học.

Ông rất lo lắng về tình trạng khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay – được gọi là cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6, sau đợt khủng hoảng truớc đây do thảm hoạ thay đổi khí hậu, những va chạm của vũ trụ, ô nhiễm bầu khí quyển, và hoạt động của núi lửa. Không giống như trước kia, tình trạng tuyệt chủng hiện nay là do chính những hoạt động phá hủy môi trường sống, khai thác, săn bắt dộng vật quá mức của con người gây nên. Raven cũng chỉ ra rằng do hiện nay trên Trái đất có nhiều loài sinh vật hơn bao giờ hết nên lần khủng hoảng này cũng sẽ có nhiều loài tuyệt chủng hơn cả.

Theo ông, chúng ta đã chứng kiến 1 số lượng lớn loài vật bị tuyệt chủng bắt đầu từ khoảng 40.000 năm trước đây, khi con người bắt đầu mở rộng khai phá những vùng đất hoang.

 
các loài bị đe doạ
 I. Các nước có số loài bị đe doạ cao nhất theo Sách đỏ IUCN 2006
 
các loài tuyệt chủng
 II. Các nước có số loài bị tuyệt chủng cao nhất theo Sách đỏ IUCN 2006.

Sơ đồ I gồm các loài cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ bị tuyệt chủng và sẽ bị đe doạ tuyệt chủng. Sơ đồ II gồm các loài đã tuyệt chủng hay đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Cả hai bảng bao gồm động vật có vú, chim, các loài bò sát, lưỡng cư, cá, động vật thân mềm, động vật không xương sống, thực vật.

Trong 1 bài viết chung với Rodolfo Dirzo (Đại học quốc gia Autonoma, Mehico), Raven đã chỉ ra rằng, một hệ động vật đông đảo ở Úc đã biến mất chỉ trong 1 thời gian ngắn sau khi có sự xuất hiện của con người trên lục địa này cách đây 40.000 năm. Ở vùng Bắc Mỹ, có khoảng 71% loài động vật có vú bị tuyệt chủng trong vòng 2000-3000 năm khi con người đặt chân tới lục địa mới này. Hai ông đã quan sát thấy rằng ở Bắc Mĩ và Úc, các loài tuyệt chủng thích nghi kém với những biến đổi khí hậu và sự thu hẹp có chọn lọc của các loài động vật lớn cùng những biến đổi địa chất và tiến hoá trong thời gian ngắn là do có sự tác động của con người.

Trong bài báo này và nhều bài báo khác, ông Raven cũng chứng minh sự biến mất của hơn 1000 loài chim trong 1000 năm gắn liền với sự lấn chiếm của con người lên các đảo vùng Thái Bình Dương. Trong nghiên cứu đang tiến hành vể các loài tuyệt chủng, có thể thiệt hại còn cao hơn nữa. Những nơi như Hawaii, quần đảo Polynesia thuộc Pháp đã mất hơn 80% các loài đặc hữu. Theo ông, sự tuyệt chủng đã trở thành đề tài phổ biến trên thế giới, từ Madagascar tới New Zealand.

 Raven
 Tiến sĩ Peter Raven, Giám đốc vườn thực vật Missori (Ảnh: M. Jacob)

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, tỉ lệ tuyệt chủng đang tăng lên. Theo phân tích của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) – tổ chức có số liệu đầy đủ nhất về các loài bị tuyệt chủng, loài đang bị đe doạ và có nguy cơ tuyệt chủng – có 811 loài đã tuyệt chủng trong vòng 500 năm qua. Hầu hết chúng bị giới hạn lãnh thổ sinh sống, chẳng hạn như các loài được tìm thấy trên các đảo. IUCN dự tính rằng, trên toàn thế giới có hơn 40% số loài hiện được xếp vào bậc bị đe doạ, đa số chúng ở vùng nhiệt đới, nơi có đa dạng sinh học phong phú nhất. Đứng đầu vể danh sách các loài bị đe doạ về chim, cá, thú là Indonesia – 1 nước nhiệt đới với nhiều đảo có các loài đặc hữu nhưng tập trung thành quần thể nhỏ và môi trường sống của chúng đang bị tàn phá ở quy mô lớn.

Các số liệu gần đây của IUCN cho thấy, mất môi trường sống là mối nguy hại lớn nhất của các loài đang bị đe doạ, sau nữa là việc khai thác trực tiếp (săn bắn, thu lượm) và tiếp đó là sự thâm nhập của các loài ngoại lai. Tính đến nay, dữ liệu của IUCN không đề cập đến những ảnh hưởng của việc thay đổi khí hậu, mặc dù tác nhân này ngày càng được coi là một nguồn quan trọng gây áp lực sinh học lên các hệ sinh thái và các loài. Ông Raven cho rằng thay đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tác động của mất môi trường sống đối với đa dạng sinh học.

Dự báo về sự tuyệt chủng trong tương lai

Rất khó để đoán trước tương lai và việc dự báo trước các loại bị tuyệt chủng vẫn tiếp tục vì còn nhiều loài chưa được biết đến. Môi trường sống sẽ còn lại bao nhiêu trong 50 năm tới? Có bao nhiêu người sống trên Trái đất vào cuối thế kỷ này và sẽ tác động như thế nào đến viêc sử dụng các nguồn tài nguyên? Thay đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng như thế nào? Các câu hỏi vẫn còn tiếp tục. Thậm chí, câu hỏi cơ bản nhất: trên thế giới có bao nhiêu loài sinh vật đang sinh sống cũng vẫn chưa có câu trả lời. 

 S= CAz 

S: số loài trong một khu vực, C,Z: các hằng số phụ thuộc vào kiểu sinh thái và các kiểu loài trong đó. 

Đường đồ thị loài – khu vực sống được áp dụng để dự đoán xem có bao nhiêu loài bị tuyệt chủng khi môi trường sống của chúng mất đi. Vì mối quan hệ này được tính theo hàm logarit nên giảm 10% môi trường sống sẽ không gây ra sự tuyệt chủng 10% các loài. Phụ thuộc vào kiểu loài sinh vật ở đó, mô hình này dự đoán rằng khoảng 10 – 20% các loài tuyệt chủng là do mất 50% môi trưòng sống, trong khi một tỉ lệ mất 90% môi trường sống sẽ làm 50% các loài bị tuyệt chủng.

Để có những dự đoán về mất đa dạng sinh học trong tương lai dựa vào những số liệu này, lúc đầu ông Raven và các đồng nghiệp tập trung vào tình trạng mất môi trường sống đã xảy ra. Công cụ chuẩn để có những dự đoán đó chính là đường đồ thị biểu diễn quan hệ loài – khu vực sống. Đường này chỉ ra rằng có mối quan hệ phi tuyến tính giữa diện tích đất và số lượng loài định cư. Mối quan hệ này không chỉ áp dụng cho các đảo (địa điểm đựơc dự định để nghiên cứu đầu tiên) mà còn cho cả trên đất liền. Ví dụ ở Bắc Mĩ, đường tiêu chuẩn này cho dự báo rằng việc mất 2/3 diện tích rừng ôn đới phía đông sẽ gây ra tỉ lệ các lòai tuyệt chủng 4%. Đối với các loài chim – nhóm động vật được ghi chép đầy đủ nhất, dự đoán cũng phù hợp với kết quả suy giảm loài quan sát được.

Trên thế giới, độ che phủ của rừng nhiệt đới đã giảm khoảng 50% kể từ lần mở rộng lớn nhất gần đây. Điều đó cho phép suy ra một tỉ lệ khoảng 18-20% loài đã tuyệt chủng. Trong khi kiến thức của chúng ta vể vấn đề này còn hạn chế, các nhà khoa học vẫn chưa theo dõi được sự mất mát này.

Lí do thứ nhất là chúng ta biết rất ít về phần lớn các loài trên trái đất. Raven cho biết, chúng ta mói có những thông tin cơ bản về khoảng 1/6 các loài trên trái đất vì phần lớn các loài tuyệt chủng chưa được ghi chép. Điều đó không có nghĩa là chúng không quan trọng.

Thứ hai, giống như thay đối khí hậu, sự tuyệt chủng các loài cũng có thời gian trễ. Các loài vẫn sinh sống trong những khoảnh rừng bị chia cắt, thường là hàng thập kỷ, nhưng mất môi trường sống đã quyết định số phận của chúng. Những quần thể nhỏ có nguy cơ tuyệt chủng rất cao vì một số tác nhân như giảm sự đa dạng nguồn gen do lai cận huyết, do bị ảnh hưởng bởi các thảm hoạ thiên nhiên. Đối với một loài sống ở một khu riêng biệt thì một bệnh dịch tràn lan, cháy rừng hay mùa đông khắc nghiệt sẽ làm cho chúng bị tuyệt chủng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ vòng đời trung bình loài là 50 năm (dao động từ 25-75 năm), tức là sự chia cắt rừng có thể làm mất đi một nửa số loài trong vòng 50 năm hay ¾ số loài trong vòng một thế kỉ. Những loài “chết tiềm năng” này bao gồm cả các loài có vòng đời dài như một số loài linh trưởng và các loài cây, nơi mà sự xáo trộn môi trường sống không thể hiện rõ trong 10 năm hay thậm chí hàng trăm năm. Điều này có nghĩa là việc bảo vệ những khu rừng còn lại trong khu vực không đủ để ngăn chặn tuyệt chủng do sự mất môi trường sống đã diễn ra trước đó.

Sự tuyệt chủng của một lượng lớn các loài sẽ xảy ra ở những nơi được coi là “điểm nóng về đa dạng sinh học” – những nơi có nhiều loài đặc hữu bị mất môi trường sống trên quy mô lớn và đang bị đe doạ bởi nguy cơ gia tăng dân số. Ông Norman Mayers một nhà sinh vật học, Đại học Oxford, người đã dùng biểu đồ để minh hoạ trong các bài giảng về bảo tồn trong suốt 20 năm qua, đã tiên phong trong việc đưa ra khái niệm “điểm nóng đa dạng sinh học” và xác định được 25 điểm nóng như vậy – chiếm 12% diện tích bề mặt Trái đất. Đó là nơi cư trú của hơn 44 loài thực vật có mạch và 35 loài động vật có xương sống trên cạn. Phát hiện này của ông đã thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn. 16 trong số các điểm nóng này là rừng nhiệt đới và hiện đã mất khoảng 90% độ che phủ rừng. Đường đồ thị biểu diễn mối quan hệ loài – khu vực dự báo rằng chỉ riêng nguyên nhân này cũng sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của 50% các loài đặc hữu trong những khu vực này.

Ông Raven dự đoán rằng nếu tình trạng mất rừng tiếp tục xảy ra thì số loài tuyệt chủng do mất môi trường sống sẽ đạt 1.500 loài/1 triệu loài/ năm – một tốc độ tăng nghiêm trọng so với hiện tại là khoảng 150 loài/triệu loài/năm, và tăng gần 60 lần so với 26 loài/triệu loài/năm vào giai đoạn 1500 – 2000. Giả sử rằng có 10 triệu loài trên Trái đất, suy ra mỗi năm mất khoảng 15.000 loài, hầu hết chúng đều nhỏ bé và ít được biết đến. Ông cũng dự báo sẽ có một thiệt hại rất nặng nề trong số những loài được biết nhiều hơn, đó là thực vật và động vật có vú . Raven dự tính rằng 565 loài động vật có vú và ít nhất 500 loài chim sẽ tuyệt chủng trong vòng 50 năm tới. Ông cũng lưu ý rằng đây là những con số thận trọng và các quần thể riêng lẻ thậm chí có nguy cơ lớn hơn rất nhiều.

Không có nghĩa là không còn hi vọng

Mặc dù viễn cảnh ảm đạm như thế, chúng ta vẫn còn thời gian để bảo vệ đa dạng sinh học. Trên thực tế, ông Raven cho rằng đây là lúc tốt nhất để hành động bởi đa dạng sinh học toàn cầu đang giảm hàng giờ. Ông tin rằng triết lí về bền vững là chìa khoá bảo tồn đa dạng sinh học, nghĩa là đồng thời cải thiện cuộc sống của người nghèo trên toàn thế giới trong khi giảm sự tiêu thụ lãng phí ở những nước giàu. Các khu bảo tồn sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng nếu chúng được thành lập và bảo tồn phù hợp với phát triển bền vững (có nghĩa là môi trường – xã hội – kinh tế). Bên cạnh đó, đa dạng sinh học ở những nơi con người sinh sống như thành phố, ngoại ô, vùng nông nghiệp cũng cần được xem xét, không nên bổ qua.

Là giám đốc của một trong những viện nghiên cứu thực vật hàng đầu thế giới – vườn sinh học Missouri, ông Raven cho rằng việc khuyến khích hứng thú của trẻ nhỏ đối với thiên nhiên là điều cực kỳ then chốt trong tương lai, khi mà những vấn đề về đa dạng sinh học ngày càng trở nên quan trọng. Ông cho biết, khi ông 15 tuổi, ông phát hiện một loài cây chưa biết tên ở khu vực Presidio thuộc San Francisco. Điều thú vị là loài này chỉ có một cây duy nhất. Sau này, ông theo học trường khoa học Caliornia và ở vào thời điểm đó các vấn đề môi trường được giảng dạy chỉ đơn giản nên hay không nên vứt rác qua cửa sổ, và khi đó Câu lạc bộ Sierra còn hoạt động theo hướng giải trí chứ chưa tập trung vào các vấn đề bảo tồn và môi trường. Theo ông, các vấn đề môi trường từ biến đổi khí hậu đến mất đa dạng sinh học sẽ đem đến cho thế hệ trẻ những thách thức và cơ hội lớn chưa từng có.