Đa dạng sinh học Việt Nam suy giảm mạnh

Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có mức độ đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái đặc thù, nhiều giống loài đặc hữu có giá trị khoa học, kinh tế cao cùng nhiều nguồn gen quý hiếm. Mặc dù các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng bảo vệ song ĐDSH của Việt Nam vẫn bị suy giảm mạnh.

Báo động về mức độ suy giảm

Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực và thành công trong việc mở rộng diện tích rừng trồng nhưng chưa thành công trong việc làm giảm sự thu hẹp diện tích rừng tự nhiên có chất lượng và mức độ ĐDSH cao. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), hiện nay, diện tích rừng giàu, có tính ĐDSH đang giảm mạnh so với trước đây. Tại những vùng có nhiều rừng, cũng là những vùng rừng giàu trữ lượng và có chất lượng cao như Tây Nguyên, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ, cấu trúc và cơ cấu rừng bị phá vỡ.

Các hệ sinh thái (HST) như rạn san hô và rừng ngập mặn đều suy giảm. Kết quả điều tra từ 1994 đến 1997 tại 142 khu vực ven biển cho thấy chỉ có 1% diện tích rạn san hô được đánh giá là trong điều kiện phát triển rất tốt, 26% tốt, 41% trung bình và 31% là kém. Tổng diện tích rừng ngập mặn của cả nước hiện chỉ còn khoảng 155.000 ha, giảm hơn 100.000 ha so với trước năm 1990 và vẫn tiếp tục giảm. Rừng ngập mặn tự nhiên nguyên sinh hầu như không còn.

Những thống kê gần đây cho thấy số lượng cá thể của một số loài động vật quý hiếm đang bị giảm rõ rệt và có nguy cơ tuyệt chủng cao. Điển hình nhất là loài tê giác một sừng, hiện chỉ còn khoảng vài cá thể; voi châu á chỉ còn gần 100 con; hổ Đông Dương cũng tương tự. Một số loài thực vật như Sâm Ngọc linh, Hoàn đàn, Thông nước, Trầm hương, Lát hoa… đang bị đe dọa tuyệt chủng. Số lượng các loài thủy sinh vật, đặc biệt là tôm, cá có giá trị kinh tế bị giảm sút nhanh. Danh mục đỏ Việt Nam (2003) liệt kê 417 loài động vật và 450 loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau, trong khi con số tương ứng của Sách đỏ Việt Nam (1996) là 365 và 356.

Những mối đe dọa chính

Theo Bộ TN-MT, những mối đe dọa trực tiếp đối với ĐDSH ở Việt Nam là ý thức người dân thấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, du nhập giống mới, ô nhiễm môi trường. Những mối đe dọa gián tiếp được tính đến là dân số liên tục gia tăng, mức tiêu thụ tài nguyên ngày càng nhiều, khí hậu toàn cầu biến đổi.

 
– Công ước Đa dạng sinh học được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tổ chức tại Ri-ô Đơ Gia-uê-rô năm 1992;
– Việt Nam đã tham gia Công ước này từ năm 1994.

Một thực tế là nhiều cộng đồng dân cư có truyền thống lâu đời về sử dụng tài nguyên thiên nhiên và vẫn phụ thuộc nhiều vào các sinh cảnh tự nhiên để khai thác thực phẩm, chất đốt và vật liệu xây dựng. Hầu hết các loài thực vật có giá trị kinh tế, trong đó có nhiều loài được dùng làm thức ăn, chất đốt, thuốc chữa bệnh, hay làm đồ thủ công mỹ nghệ đều bị khai thác triệt để. Những hoạt động như: khai thác trái phép gỗ và lâm sản ngoài gỗ; đánh bắt thủy sản một cách không bền vững; săn bắn và buôn bán trái phép động vật hoang dã đã đe dọa trực tiếp đến ĐDSH trên khắp các vùng miền.

Trong số những mối đe dọa gián tiếp, gia tăng dân số là mối đe dọa rõ ràng nhất. Dự báo đến năm 2020, dân số nước ta khoảng 100 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 4 ở châu Á. Việc mở rộng và thâm canh nông nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, mối đe dọa gián tiếp đáng lo ngại nhất lại là biến đổi khí hậu toàn cầu (BĐKHTC). Chính vì lý do này, “Đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu” được lấy là chủ đề của ngày ĐDSH thế giới năm 2007. Quan hệ giữa ĐDSH và BĐKHTC theo cả hai chiều. BĐKHTC đe dọa đến ĐDSH nhưng quản lý hợp lý ĐDSH có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực của BĐKHTC.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước đặc biệt nhạy cảm với các tác động của BĐKHTC trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề khác dọc theo miền duyên hải. Các HST bị chia cắt, điều đã trở nên phổ biến, chắc chắn sẽ phản ứng kém cỏi hơn trước những thay đổi này và nhiều loài sinh vật sẽ biến mất.

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là sự bất cập trong công tác quản lý ĐDSH. TS.Vũ Thu Hạnh đánh giá, pháp luật về ĐDSH chưa bảo đảm tính khả thi, chưa có tính thống nhất và còn thiếu một số quy định quan trọng. Theo các nhà khoa học, để việc bảo vệ ĐDSH hữu hiệu hơn, Nhà nước và Quốc hội sớm soạn thảo và ban hành Luật Bảo tồn đa dạng sinh học.