Diesel sinh học không làm giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu

ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Hoá học và Công nghiệp, quy định của Liên minh châu Âu nhằm thúc đẩy diesel sinh học sẽ không thể cải thiện tình trạng nóng lên toàn cầu, thậm chí điều này có khả năng gây ra phát thải khí nhà kính lớn hơn so với nhiên liệu truyền thống.

Các chuyên gia phân tích đã so sánh lượng phát thải khí nhà kính từ hai lò đốt trong toàn bộ chu trình của chúng, từ khâu sản xuất tới tiêu thụ trong vận hành ô tô. Các kết quả chỉ ra rằng diesel sinh học lấy từ hạt cải dầu trồng trong trang trại chuyên dụng phát thải ra lượng khí nhà kính (xác định bằng lượng CO2 tương đương) trên một km gần bằng loại dầu diesel thông thường.

Tuy nhiên, nếu đất trồng cải dầu được dùng thay thế để trồng cây thì lượng khí nhà kính từ dầu diesel truyền thống chỉ bằng 1/3 lượng phát thải CO2 tương đương so với diesel sinh học. Dầu diesel thải ra 85% lượng khí nhà kính ở khâu cuối cùng, khi được đốt trong buồng máy. Trái lại, ở diesel sinh học chiết xuất từ hạt cải dầu, 2/3 lượng khí phát thải sinh ra trong quá trình canh tác mùa màng, khi đất canh tác thải ra N2O, có tác động mạnh gấp 200-300 lần so với CO2.

Những kết quả từ phân tích này sẽ có tác động lớn tới những nhà lập chính sách bởi kế hoạch về nhiên liệu sinh học của Liên minh châu Âu năm 2003 đã đưa ra mục tiêu tăng mức nhiên liệu sinh học từ mức xấp xỉ 2% hiện tại tới 5,75% trong tổng nhiên liệu giao thông vào năm 2010. Được biết, lượng khí phát thải từ giao thông hiện chiếm tới hơn 1/15 tổng lượng phát thải khí nhà kính tại các quốc gia trong Liên minh châu Âu.

Diesel sinh học từ hạt cải dầu là tài nguyên có thể tái tạo, nó đang được sử dụng ở khắp châu Âu và góp phần cải thiện tình hình an ninh năng lượng. Người ta hy vọng rằng loại diesel này sẽ góp phần quan trọng để đạt được cam kết Kyoto của Liên minh châu Âu trong việc làm giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống còn 8% vào năm 2012 và 20% vào năm 2020 so với năm 1990.