Hội nghị liên ngành bàn biện pháp xử lý hổ nuôi nhốt tại tỉnh Bình Dương

ThienNhien.Net – Tuần qua, vấn đề xử lý như thế nào đối với số hổ được nuôi nhốt tại Bình Dương đã và đang là tâm điểm chú ý của dư luận xã hội nói chung và của các tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm nói riêng. Ngay trong chiều ngày 22/3/2007, một Hội nghị liên ngành đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức riêng cho chủ đề này. ThienNhien.Net xin lược trích nội dung Thông cáo báo chí của Cục kiểm lâm với những ý kiến thống nhất đệ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1258/VPCP-NN ngày 9/3/2007 của Văn phòng Chính phủ, ngày 22/3/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị liên ngành với đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện KSND tối cao, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, UBND tỉnh Bình Dương để bàn biện pháp xử lý hổ nuôi nhốt tại tỉnh Bình Dương.

Hội nghị đã xem xét mọi diễn biến của quá trình mua, nuôi nhốt 43 con hổ tại tỉnh Bình Dương (25 con không có nguồn gốc hợp pháp, 18 con được khai báo là sinh sản tại trại), đối chiếu với các quy định của pháp luật và cân nhắc các ý kiến, dư luận trong nước, quốc tế để đi đến thống nhất đệ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết vấn đề này. Cụ thể:

1. Khẳng định việc mua và nuôi nhốt hổ của các tổ chức, cá nhân tại tỉnh Bình Dương là vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm của pháp luật Việt Nam và không phù hợp với Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cần tịch thu toàn bộ số hổ không có nguồn gốc hợp pháp để giao cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nuôi, chăm sóc vì mục đích bảo tồn.

2. Trước mắt, giao cho các tổ chức, cá nhân hiện đang nuôi giữ số hổ này tiếp tục nuôi, chăm sóc. Cục Kiểm lâm chỉ đạo việc tổ chức cho các chủ hộ này lập phương án, đăng ký trại nuôi theo quy định của pháp luật và lập hồ sơ quản lý, chuẩn bị các điều kiện để gắn chíp điện tử.

3. Nếu các tổ chức, cá nhân không lập phương án và đăng ký trại nuôi theo quy định của pháp luật, thì giao cho tổ chức khác có chức năng nuôi bảo tồn, phát triển phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, quan hệ quốc tế theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Hổ là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được pháp luật Việt Nam quản lý, bảo vệ theo chế độ đặc biệt và thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), nằm trong danh mục các loài loài cực kỳ nguy cấp (CR) thuộc Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN), việc mua bán, vận chuyển, săn bắn, nuôi nhốt, sử dụng hổ và các sản phẩm, dẫn xuất của chúng trái pháp luật đều bị nghiêm cấm. Các kỳ Hội nghị các nước thành viên Công ước CITES từ Hội nghị lần thứ 9 năm 1997 đến Hội nghị lần thứ 13 năm 2005, Ban Thư ký Công ước Quốc tế đều ban hành các Nghị Quyết và Quyết định về quản lý loài động vật này. Việt Nam có phân loài hổ Đông dương (Panthera tigris cobetti), số lượng hổ sinh sống ngoài tự nhiên liên tục giảm, đến nay chỉ còn khoảng 100 cá thể.