Hãy hướng đến một xã hội thân thiện hơn!

ThienNhien.Net – Đó là lời kêu gọi của Giáo sư Kitano Masaru, trường Đại học Meiji, Nhật Bản tại buổi thuyết trình về chủ đề Môi trường thân thiện tại Hội trường Khách sạn Deawoo, Hà Nội ngày 05/03/2007 vừa qua. Bài thuyết trình của ông còn đề cập đến các vấn đề về môi trường đang nóng hổi trên các diễn đàn toàn cầu như: biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, chất hoá học và sức khoẻ con người, năng lượng mới.

Nhìn lại thế kỷ 20, theo tổng kết của giáo sư Kitano, đó là thế kỷ của chiến tranh, công nghệ và sự bùng nổ dân số. Cũng trong giai đoạn này, con người đã bắt đầu nhận thức được sự cạn kiệt của tài  nguyên và sự biến đổi thất thường của khí hậu do chính con người gây ra.
 
Khi phân tích vấn đề ô nhiễm môi trường, giáo sư đã chỉ ra rằng quá trình nảy sinh các vấn đề về môi trường xảy ra theo trình tự 4 giai đoạn: Tập trung hoá dân số với mật độ cao – Công nghiệp hoá (ô nhiễm công nghiệp) – Thuốc trừ sâu (chất hoá học độc hại mang tính vi lượng) – Vấn đề môi trường đô thị. Đối với các nước đang phát triển, khó khăn nằm ở chỗ cả 4 giai đoạn này cùng tồn tại một lúc và họ thường thiếu công nghệ, kinh nghiệm cũng như các nguồn lực để giải quyết.
 
Đặc biệt, bài thuyết trình tập trung hơn khi giới thiệu về khái niệm phát triển bền vững và nhận định xã hội bền vững chính là mục tiêu chung mà tất cả chúng ta cần đạt đến. Để có được điều đó, con người cần xây dựng xã hội hiện tại thành một xã hội kiểu tuần hoàn, dựa trên cơ sở nhận thức và bài học kinh nghiệm của nhân loại trong thế kỷ 20, thông qua hạn chế lãng phí tài nguyên thiên nhiên và hạn chế phát sinh chất thải để giải quyết các vấn đề bức xúc về cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu thất thường hiện nay.
 
Giữa vấn đề môi trường vốn có (hay vấn đề môi trường có tính địa phương) và vấn đề môi trường toàn cầu không chỉ có sự khác biệt về không gian, thời gian, mức độ thiệt hại trực tiếp/gián tiếp mà còn ở khả năng con người có thể can thiệp làm đảo ngược tình thế hay không. Chính vì vậy, con người buộc phải dự báo các thiệt hại do vấn đề môi trường toàn cầu có thể gây ra trước khi chúng thực sự phát sinh để có được hướng giải quyết hiệu quả. Trong chính sách môi trường, cần phối hợp đồng thời các biện pháp về công nghệ và cơ chế. Xu hướng trong tương lai sẽ là kết hợp giữa quy chế pháp luật với các biện pháp hành chính đánh vào kinh tế và cơ chế quản lý tự chủ.   


* Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Kitano Masaru hiện giảng dạy tại Khoa Ứng dụng Công nghệ Trường Đại học Meiji. Ông cũng là thành viên của Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc Quốc tế (UNEP), Bộ Môi trường, Bộ Kinh tế Thương mại Công nghiệp và Các Ủy ban Tự trị địa phương, được đánh giá là người bình luận nổi tiếng trong giới truyền thông (Nhật Bản).

* Đơn vị tổ chức: Văn phòng JICA Việt Nam