Liệu những trại nhân nuôi có cứu hổ khỏi sự tuyệt chủng?

ThienNhien.Net – Loài hổ đã, đang và sẽ còn phải đương đầu với nạn tuyệt chủng. Cách đây 12 năm, có đến hàng chục ngàn con hổ trong tự nhiên. Ngày nay số lượng có thể ít hơn 3000. Con người cũng đã biết rằng, nạn săn trộm hiện nay không phải là mối đe doạ duy nhất đối với loài hổ. Từ những năm 1990, gần một nửa diện tích nơi ở tự nhiên của hổ đã bị xoá sổ và chiếm hữu bởi con người.

Một trong những đe doạ lớn nhất đối với loài hổ hoang dã đó là những tên săn trộm, chúng giết các con vật bằng bẫy và thuốc độc. Hầu hết các phần của một con hổ đều bị bán đi. Nhưng theo những thông tin thu thập được, hiện đang bùng nổ nạn buôn bán trái phép các loại y dược truyền thống châu Á, như rượu máu hổ và bột xương hổ tán – sản phẩm kinh doanh của bọn săn trộm. Những nỗ lực để đóng cửa thị trường này bằng cách trừng trị thẳng tay những tên săn trộm và chính thức cấm những sản phẩm có từ các bộ phận của hổ đã thất bại, đặc biệt là ở Trung Quốc. 

Bước đi triệt để

Một số nhà bảo tồn nói rằng cần tiến hành biện pháp triệt để để cứu loài hổ: Nên hợp pháp hóa việc buôn bán xương hổ và các bộ phận của những con hổ được nuôi từ các trang trại nuôi hổ ở Trung Quốc.Theo Barun Mitra, Viện Liberty nghiên cứu thị trường tự do (New Dehli, Ấn Độ) thì “Có khoảng 4000 con hổ đang sống trong các trang trại đó, nghĩa là có khoảng 300 đến 400 con hổ chết tự nhiên do già yếu, bệnh tật mỗi năm” – “Câu hỏi đặt ra là: Bạn làm gì với xương và xác của chúng?”.

Mitra muốn làm tràn ngập thị trường thuốc truyền thống bằng xương và xác của những con hổ nuôi. Đó cũng là điều mong muốn của 14 trang trại nuôi hổ đã được đăng kí ở Trung Quốc. Mitra nói rằng giá cả sẽ giảm đột ngột nếu điều đó xảy ra. Nếu giá giảm xuống quá thấp, những người săn trộm hổ sẽ bị cạnh tranh phá giá. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ dừng việc giết những con hổ trong tự nhiên bởi họ không thể tạo ra tiền từ chúng.

Cũng  theo ông thì những nguồn lợi nhuận từ việc bán hợp pháp đó có thể giúp cho việc tăng cường nguồn tài trợ cho các chương trình chống săn trộm, hay các hoạt động giúp những người săn trộm trước đây thành những người bảo vệ khu vực hổ sinh sống. Ở các nước khác, những kiểu chương trình như thế này mang lại hàng triệu USD mỗi năm.

“Thậm chí một phần nhỏ trong các khoản tiền đó nếu được trợ cấp cho những vùng nông thôn ở Trung Quốc và Ấn Độ, bạn có thể nhìn thấy một thay đổi lớn trong thái độ của người dân đối với hổ trong tự nhiên, Mitra nói.
Mitra là người phát ngôn không chính thức cho kế hoạch cứu loài hổ trong tự nhiên bằng việc bán xương và các bộ phận từ những con hổ đã được thuần hoá. Hiện tại, Mitra đang đi thực tế tại một số trang trại nuôi hổ ở Trung Quốc theo lời mời của chính phủ nước này. Trung Quốc không có quan điểm chính thức trong kế hoạch để mở cửa một thị trường bán các sản phẩm từ hổ nuôi, nhưng các nhà bảo tồn và đại diện của chính phủ các nước khác nhận định rằng rõ ràng chính phủ Trung Quốc cũng như chủ nhân của các trang trại nuôi hổ thích kế hoạch này.

Những nghi ngờ về tính hợp pháp

Hầu hết các trang trại nuôi hổ đều mở cửa đón công chúng. Ở những trang trại nuôi lớn nhất, xe chở khách tham quan chạy vòng quanh, theo sau là những con hổ đã được thuần hoá. Theo Grace Gabriel của Quỹ Cứu trợ động vật quốc tế, thì ở một số trang trại khác, du khách chi trả để được xem lũ hổ xâu xé những con bò được quăng từ những chiếc xe tải đi qua.

Gabriel cho rằng những thực tế đó là vô nhân đạo và rằng các công viên đó nên bị đóng cửa. Cô cũng lo lắng rằng nếu hợp pháp hoá việc bán các sản phẩm từ hổ nuôi sẽ càng làm tăng nạn săn trộm bởi không có cách nào để xác định rằng thứ rượu pha tiết hổ hay bột nghiền xương hổ đó có xuất xứ từ trang trại.

“Rất có thể  chúng có xuất xứ từ hổ trong tự nhiên” Gabriel nói. “Nó sẽ làm cho việc thực hiện luật trở nên khó khăn hơn”. Gabriel không nghĩ chủ nhân của những công viên nuôi hổ sẽ đồng ý để dành ra một phần nhỏ  nguồn lợi nhuận từ doanh thu đó vào các chương trình tăng cường chống săn trộm hay vào chương trình bảo tồn hổ trong tự nhiên. Và cô cũng không nghĩ kế hoạch tạo thị trường để bán các bộ phận của hổ nuôi sẽ mang lại ý nghĩa kinh tế.

Nhà kinh tế Richard Damania của đại học Adelaide đưa ra một quan điểm đáng chú ý. Ông cho rằng, không thể có chuyện một tên săn trộm chỉ tốn nhiều nhất 20$ để giết một con hổ lại bị bán phá giá trong khi người nuôi hổ tiêu tốn hàng ngàn USD để nuôi chúng từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. “Khoảng cách đó là quá lớn mà sẽ chẳng bao giờ có thể thu hẹp lại”, Damania nói, “thậm chí cả khi chi phí của việc săn hổ trong tự nhiên tăng lên”.
 
Các trang trại nuôi hổ có thể làm tăng nhu cầu

Damina nói, bất kể điều gì, kế hoạch mà Mitra đề xuất sẽ dẫn tới việc gia tăng nạn săn trộm bởi việc thu hút nhiều người mua – vốn không bao giờ nghĩ đến việc mua bán phi pháp – sẽ làm tăng nhu cầu và dẫn đến việc tăng giá. Từ đó sẽ thúc đẩy nạn săn trộm gia tăng và sẽ có nhiều con hổ tự nhiên bị giết hơn.

Damania nói rằng những con hổ hoang dã sống trong những khu bảo tồn nhỏ sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt. Những con hổ đang sống trong các khu bảo tồn lớn hơn có thể duy trì lâu hơn nhưng sớm muộn cũng chịu chung số phận.

“Kế hoạch mới này sẽ là một bản án tử hình đối với loài hổ”, Damania nói. Nhưng Barun Mitra của viện Liberty nghĩ rằng những con hổ tự nhiên có thể đã chịu số phận bi đát, vậy tại sao không mạo hiểm với kế hoạch tạo nên các trang trại nuôi hổ. “Tôi không thể hiểu làm thế nào một lượng tài sản to lớn và có giá trị như thế  lại có thể bị chết dần chết mòn bởi việc cấm đoán đã khiến cho xác hổ nuôi chết chất đống ở một số các trang trại nuôi hổ ở Trung Quốc”, Mitra cho biết.

Chỉ có một điều duy nhất mà những người tham gia cuộc bàn cãi này thống nhất là nạn săn trộm  không phải là mối đe doạ duy nhất đối với loài hổ. Từ những năm 1990, gần một nửa diện tích nơi ở tự nhiên của hổ đã bị xoá sổ và chiếm hữu bởi con người.