Công nghệ thông tin + Truyền thông với sự phát triển

ThienNhien.Net – Công nghệ có thể đóng vai trò là một nhân tố thuận lợi nhưng nó không thể cải thiện được hiệu quả của chính phủ cũng như không thể phổ biến được những thông tin quan trọng nếu không có sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.

Athar Osama là uỷ viên cấp cao trong ban quản trị của nhóm công nghệ ANGLE tại Mỹ và là chuyên gia trong lĩnh nghiên cứu sự phát triển kinh tế dựa trên công nghệ. Theo ông, mặc dù có một khởi đầu lớn lao song công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) không đáng được coi là đầu tàu cho sự phát triển.

Cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã được kỳ vọng là động lực giúp các nước đang phát triển trở thành những thành viên tích cực trong nền kinh tế toàn cầu. Các tổ chức như Liên hiệp quốc (LHQ) hay Ngân hàng thế giới (WB) đã hỗ trợ việc xây dựng và gây quỹ cho các chiến lược ICT để giúp các nước này từng bước trải qua các giai đoạn phát triển kinh tế.

Nếu các nước đang phát triển nhận thức được tiềm năng của ICT đối với sự phát triển thì trước hết phải giải quyết được các vấn đề khó khăn, thường là không mấy thú vị như: nạn mù chữ, bất ổn xã hội, sự hoạt động kém hiệu quả của chính phủ, nạn tham nhũng hay sự thiếu hụt các thời cơ kinh tế
Nguồn: SciDev.net.

Một mô hình mới”

Một số thành công ban đầu trong việc ứng dụng công nghệ để giúp người dân thực hiện quyền lợi của mình xem ra chưa đủ để chứng minh sự thành công của việc ứng dụng ICT như một mô hình phát triển mới ở khu vực phía Nam.

Chẳng hạn như tại Băng-la-đét, những thành quả của Ngân hàng Grameen – và tiếp theo là công ty điện thoại Grameen – đã mang lại niềm hi vọng cho các nhà lãnh đạo chính phủ, các nhà lập kế hoạch phát triển và các nhóm xã hội dân sự trên cả châu Á và châu Phi.

Chương trình Mỗi trẻ em một máy tính xách tay của Viện Công nghệ Massachusetts nhằm khuếch trương loại máy tính xách tay 100 đôla ngay từ đầu đã được chú ý rộng rãi và xem như là dấu hiệu của cuộc cách mạng về phương pháp giảng dạy trong tương lai.

Từ đầu những năm 90, Ấn Độ đã được coi là hình mẫu cho các quốc gia quan tâm đến việc ứng dụng ICT để phát triển. Năm 1998, chính phủ Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu cho xuất khẩu phần mềm của quốc gia đến năm 2008 phải đạt 50 tỉ đôla Mỹ, đồng thời đưa ra 45 khuyến nghị về việc áp dụng trực tiếp công nghệ thông tin để đạt được các mục tiêu về phát triển và xoá mù chữ.

Trọng tâm của chính sách này đã tháo gỡ được sự bất ổn trong hoạt động. Theo tính toán của một quan sát viên, hiện có khoảng trên 50 dự án cơ sở về việc ứng dụng ICT trong các dịch vụ dành cho người dân nghèo Ấn Độ.

Ví dụ như dự án Drishtee do công ty McKinsey tài trợ đã xây dựng được hơn 25 cửa hàng Internet tại bang Haryana để tự động hoá các dịch vụ của chính phủ như chuyển nhượng đất đai hay chế độ trợ cấp. 

Tại Andhra Pradesh, dự án e-Seva đang được thực hiện với khoảng 150 cửa hàng Internet và điểm phân phối dịch vụ nông thôn, cung cấp các thông tin về thị trường, thời tiết cũng như tư vấn về y tế và nông nghiệp. Người dân cũng có thể vào các cửa hàng này để tìm kiếm các hồ sơ đất đai hay trả các hoá đơn.

Hệ thống e-Choupal do công ty thuốc lá Ấn Độ tài trợ đã tiến hành đầu tư một số máy tính có kết nối Internet tại các làng ở nông thôn nhằm xây dựng một thị trường nông nghiệp cho người nghèo Ấn Độ. Tại đó họ có thể đặt hàng, tìm hiểu xu hướng giá cả toàn cầu hay tìm kiếm thông tin về các kỹ thuật trồng trọt mới. Cho đến nay đã có khoảng 2.700 dự án Rural e-Choupal trên 5 bang của Ấn Độ và dự kiến sẽ có thêm 22.000 dự án nữa. Mục tiêu của công ty là đạt trên 100 triệu đô la giao dịch nông nghiệp. 
 
Quá ảo tưởng

Việc ứng dụng ICT để phát triển thực tế khác xa so với những gì chúng ta hi vọng hay phóng đại lên. Sự khởi đầu tại Ấn Độ và một số nơi khác đã  đem lại cho chúng ta một viễn cảnh tốt đẹp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều hạn chế trong việc chia sẻ thông tin hay chia sẻ kết quả dự án, bỏ qua tác động đối với cuộc sống của người dân. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là thiếu sự phân tích cặn kẽ và hệ thống về hiệu quả của các dự án. Duy chỉ có công trình nghiên cứu của Viện Công nghệ thông tin Ấn Độ tại Bangalore đã đưa ra phân tích về 6 chương trình nổi bật nhất tại Ấn Độ nhằm bác bỏ một số lầm tưởng về ICT đối với sự phát triển. Chẳng hạn như, nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn các dự án đều có rất ít, thậm chí không có một tác động trực tiếp nào lên tình trạng đói nghèo. Việc cải thiện thu nhập chỉ ở mức giới hạn là từ trên 1 đôla một ngày đối với nhân viên trông coi cửa hàng Drishtee đến khoảng hơn 2 đôla một ngày đối với nhân viên dự án e-Seva. Dường như hệ thống e-Choupal là một ngoại lệ tuy vẫn chưa được kiểm tra cặn kẽ. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phần lớn các dự án là không bền vững. Ví dụ như doanh thu của cửa hàng Drishtee đang có xu hướng giảm dần.
Nhiều dự án đã không thành công trong việc phổ biến những thông tin quan trọng cho cộng đồng địa phương thông qua các cửa hàng Internet. Thay vào đó, tính thiết thực hay doanh thu của chúng chủ yếu là từ các dịch vụ giống như các cửa hàng máy tính, cửa hàng photocopy hay các quán cafe tin học.

Rất nhiều dự án chính phủ điện tử đã không cải thiện được rõ rệt chất lượng của phân phối dịch vụ. Những dự án này chủ yếu phụ thuộc vào sự tham gia và bảo trợ của các tổ chức đỡ đầu có tên tuổi và chỉ cải thiện chất lượng dịch vụ trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, cuối cùng thì chúng lại quay trở lại tình trạng vô hiệu quả, mục nát và trông chờ sự bảo trợ.
Nguồn: SciDev.net.

Những việc phải làm
Thậm chí, trong một chừng mực nào đó, cứ cho là những dự án này thành công thì khi thực hiện nhân rộng, những kết quả mà chúng đạt được chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều so với giai đoạn thử nghiệm. Ví dụ như, để có thể phát triển dự án Drishtee trên toàn Ấn Độ buộc phải nhân rộng dự án tới trên 10.000 lần. Mặc dù vậy, quan trọng hơn là những kết quả đó có thể làm nổi bật vai trò quan trọng của các giải pháp về kinh tế, chính trị, và xã hội đối với các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Công nghệ có thể đóng vai trò là một nhân tố thuận lợi nhưng nó không thể cải thiện được hiệu quả của chính phủ cũng như không thể phổ biến được những thông tin quan trọng nếu không có sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.

Rõ ràng là rất cần phải có sự xem xét kỹ lưỡng về sự kì vọng và khả năng thực tế, về sự thành công và thất bại, cũng như về những thử thách và bế tắc của việc ứng dụng ICT trong việc thúc đẩy sự phát triển thực chất và bền vững ở những nước đang phát triển.