Xa rồi những mùa hoa anh túc

Bài viết của báo điện tử Yên Bái về sự đổi thay cuộc sống của đồng bào người Mông ở Sùng Đô (Văn Chấn, Yên bái) qua việc chuyển đổi mô hình canh tác: thay thế cây thuốc phiện bằng thảo quả.(ThienNhien.Net)

Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, Sùng Đô – xã khó khăn nhất nhì của huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) giờ không còn quá xa xôi cách trở, bởi con đường lên xã đã được mở rộng thênh thang. Thay cho đôi chân cuốc bộ, con ngựa thồ hay chiếc xe đạp không phanh, một số gia đình khá giả ở Sùng Đô giờ đã mua được cho mình chiếc xe máy đi lại thuận tiện. Cuộc sống đang đổi thay nơi đại ngàn!  Những người già ở đây kể rằng, cuộc sống chỉ thực sự đổi thay và người Mông Sùng Đô thực sự đổi đời kể từ ngày cây thuốc phiện hoàn toàn nhường chỗ cho những nương thảo quả chín đỏ…

Từ câu chuyện của người cán bộ họ Hờ

Một thời đắm chìm mông muội trong thứ nhựa quyến rũ chết người của hoa anh túc, không ít thế hệ người Mông ở Sùng Đô lớn lên mà không viết nổi cái chữ tên mình. Cuộc sống du canh du cư và tập quán phá rừng làm nương rẫy kia bỏ lại nơi dấu chân người Mông đi qua những ngọn núi bạc phếch, trụi trơ, bốn mùa hứng chịu cái nắng cháy, gió gào và cả những cơn mưa ngàn xối xả. Đói nghèo, lạc hậu lại thêm thói quen trồng và hút thuốc phiện đã khiến cho cuộc sống trở thành gánh nặng đeo đẳng bao kiếp đời, kiếp người Mông Sùng Đô xưa…

Đêm Sùng Đô không điện. Cạnh trụ sở UBND xã, nhà Giàng A Tùng le lói chút ánh sáng từ cây đèn dầu không bóng hắt qua những tấm ván lịa. Phía ngọn núi trước mặt kia là xã Nậm Mười, điện lưới quốc gia đã thắp sáng những bản gần và  lác đác cả những ngôi nhà lưng chừng núi. Khó khăn hơn cả An Lương, Nậm Mười, đến giờ Sùng Đô vẫn chưa có điện. Trong ánh nến chập chờn không đủ soi rõ mặt chủ mặt khách, Hờ A Ký – Phó Bí thư Đảng uỷ xã kể cho chúng tôi nghe chuyện nhà, rồi cả chuyện buồn của dân tộc anh một thời sống cảnh “ăn ngọn đọn gốc”, say sưa cùng bàn đèn thuốc phiện. Với chất giọng trầm ấm và mang một âm hưởng rất riêng của người Mông, Hờ A Ký kể: “Trước đây xã mình người nghiện nhiều không nhớ hết đâu à. Nhà nào cũng có người nghiện ố. Người này hút, người kia hút, ông hút, bố hút rồi con nó cũng hút theo mà nghiện luôn thôi!… Thuốc phiện trồng được, trồng để dùng, để chữa bệnh nên hơn chục năm về trước nhà nào cũng trồng cả. Đàn ông ở bản, trong xã nghiện hết. Việc đi nương đi rẫy, lo cái ăn cho gia đình dồn cả lên vai những người đàn bà. Bởi thế mà nhà nào cũng đói ăn, đói mặc giống nhau. Cả xã khi ấy chỉ nhà Trưởng bản Giàng A Tủa còn được gọi là đủ ăn…”

Uống cạn chén trà xanh thơm nồng, Hờ A Ký tiếp câu chuyện bằng nụ cười rất thoải mái để lộ chiếc răng vàng làm duyên: “Bố mình – ông Hờ A Hù ngày trước cũng nghiện, nghiện nặng lắm! Mà nghiện từ bao giờ thì ông bà mình không biết, không nhớ nữa! Ngày xưa nó vậy mà!… Nhưng năm 1992, tỉnh, huyện và cán bộ xã  vận động bỏ trồng, bỏ hút thuốc phiện, bố mình tự cai rồi bỏ hẳn từ năm 1996 đến nay.  Ở Nà Nọi, Giằng Phằng, Làng Mảnh và cả xã Sùng Đô bây giờ còn ít người nghiện hút thuốc phiện lắm. Xã mình chỉ còn bốn, năm người già nghiện hút từ trước sót lại thôi, chứ người trẻ mắc nghiện hầu như không có…

 
Phó Bí thư Hờ A Ký thu hoạch thảo quả cùng bà con.

Đến những gian nan trong việc phá cây thuốc phiện

13 năm là đầu là khoảng thời gian để một đứa trẻ được công nhận đã qua cái tuổi mụ và được tính tuổi làm người theo quan niệm của tử vi. 13 năm đoạn tuyệt với cây thuốc phiện với đồng bào Mông nơi đây là cả một sự đổi đời và với nhiều người thì đó là một cuộc đời mới.

Anh Giàng A Khua – Phó phòng Dân tộc tôn giáo, Ban Tôn giáo Tỉnh uỷ – người đã bao năm lăn lội với cuộc vận động “ba bỏ” ở Sùng Đô giải thích: “Cuộc vận động bỏ trồng cây thuốc phiện đã làm từ nhiều năm rồi. Trước là giao cho huyện làm nhưng rồi không hiệu quả. Năm 1992, tỉnh chỉ đạo quyết tâm thực hiện triệt để cuộc vận động “ba bỏ”, triệt phá bằng được cây thuốc phiện, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện và các địa phương. Sùng Đô là địa phương trồng nhiều nhất và cũng là điểm khó khăn nhất trong công tác triệt phá cây thuốc phiện của huyện Văn Chấn. Năm 1993, cả xã có khoảng trên 30 ha thuốc phiện trồng rải rác khắp các thôn bản. Đến đầu năm 1996, năm cuối cùng triệt phá thành công cây thuốc phiện Sùng Đô vẫn còn tới 6 đến 7 ha nương rẫy trồng thuốc phiện.

Gian nan, cụm từ đó chưa đủ nói hết nỗi vất vả, cực nhọc mà những người làm công tác vận động triệt phá cây thuốc phiện ở Sùng Đô từng nếm trải. Thái độ bất hợp tác, hăm doạ, mồ hôi và hơn thế là máu đã đổ – để có những nương đồi, những cánh rừng không còn hiện hữu sắc hoa anh túc mê hồn. Giàng A Khua nhớ lại: “Tìm được nơi trồng thuốc phiện rất khó khăn vì thuốc phiện chỉ hợp trồng ở những rừng già, nơi có độ ẩm cao, khí hậu lạnh, độ mùn xốp lớn… do vậy cả đoàn  thường phải cắt rừng mà đi. Để cản đường cán bộ, nhiều hộ chặt ngả cây rừng ngáng đường. Giàng A Vừ, cán bộ Hội Nông dân xã đã bị gỗ đâm trọng thương ở bụng trong lần đi tìm phá cây thuốc phiện ở bản Giằng Phằng”. Bí thư Hờ A Tủa, nguyên là Chủ tịch Sùng Đô những năm đó cho hay, thời kỳ ấy cán bộ địa phương và người thân của họ cũng nghiện và trồng thuốc phiện nhiều lắm. Công tác vận động gian nan vô cùng. Chỉ đến khi Giàng A Khua và những cán bộ trong đoàn công tác của tỉnh, huyện Văn Chấn và xã thống nhất đưa ra mức phạt cụ thể như: vài con gà, mấy con dê con lợn, thậm chí phạt bằng trâu, bò… thì đồng bào mới tự giác chấp hành. Nhà nọ nhìn nhà kia làm, bản nọ nhìn bản kia phá, cứ như thế đến cuối năm 1996, cả xã Sùng Đô không còn hộ nào tái trồng thuốc phiện. Thành công từ cuộc vận động triệt phá cây thuốc phiện ở Sùng Đô là bái học quý để huyện, tỉnh phố biến và vận dụng sáng tạo cách làm này các địa phương khác.

Thảo quả – cây của no ấm

13 năm đoạn tuyệt với cây thuốc phiện được ví như những trang viết mới sáng sủa trong lịch sử dựng xây và đổi mới của đồng bào Mông Sùng Đô. Thói quen dù là nhỏ cũng rất khó sửa… Vậy mà đồng bào Mông ở Sùng Đô đã làm được cái chuyện bỏ trồng, bỏ hút thuốc phiện; nghĩa là đã phá bỏ được một hủ tục, một tập quán sinh hoạt lạc hậu. Giờ thì bóng dáng hoa anh túc chỉ còn trong tiềm thức của nhưng người già ưa hoài cổ. Những nương, đồi trồng thuốc phiện xưa kia nay nhường chỗ cho gần 30 ha thảo quả. Nói cho đúng thì thảo quả không phải là loại cây trồng mới. Nó là cây thuốc thông dụng, gắn bó không thể thiếu đối với mỗi gia đình người Mông từ trị đau bụng cho con trẻ, đến chữa bệnh cho con trâu, con bò… Trước, đồng bào trồng chỉ để làm thuốc phòng bệnh, còn nay thảo quả đã trở thành mặt hàng nông sản có giá trị, mang lại thu nhập cao và cũng là cây trồng duy nhất cho đến giờ thay thế được cây thuốc phiện.

 
 Vui mùa thảo quả bội thu.

Xã Sùng Đô có trên 250 hộ thì có gần một nửa đã biết trồng thảo quả để bán. Nà Nọi, Làng Mảnh và Giằng Phằng là những thôn bản có diện tích thảo quả lớn. Có tiếng trồng thảo quả ở đất Sùng Đô phải kể đến hộ ông Giàng A Káng, Vằng A Thờ, Vàng Ánh Hồng ở bản Giằng Phằng hay như hộ Vàng A Ri ở bản Nà Nọi. Hộ ông Giàng A Káng trồng thảo quả đã 6 năm nay, vụ này thu gần tấn quả trị giá trên 13 triệu đồng. Nhà Vàng A Tủa thôn Nà Nọi có gần 2.000 gốc cho thu bói cũng thu trên 6 triệu đồng, thêm với số tiền dành dụm được từ mùa thảo quả năm ngoái đã mua được chiếc xe máy mới. Già Tủa tâm sự “Ngày trước đi bộ cả ngày đường xuống chợ bán gánh củi mới được cân gạo, nhưng giờ bán một cân thảo quả đã đong được gần nửa yến gạo thường rồi. Bà con mình mừng lắm, đã tin và làm theo Đảng, không con nghĩ đến cây thuốc phiện nữa.”

“Nói thật, trước đây đồng bào mình cũng không mặn mà với cây thảo quả đâu dù Đảng, Chính phủ hỗ trợ tiền trồng và cho không cây giống. Nhưng bây giờ thảo quả đã trở thành cây trồng chủ lực đứng thứ hai sau cây lúa nước. Năm nay, diện tích thảo quả của nhiều hộ mới cho thu bói nên sản lượng còn thấp, khoảng 15 tấn – chứ một, hai năm nữa sản lượng sẽ tăng gấp đôi. Chắc chắn cuộc sống của đồng bào mình sẽ khá”. Đó là những nhận xét đầy tự tin của Phó bí thư Đảng uỷ xã Hờ A Ký khi đưa chúng tôi đi thăm nương thảo quả của gia đình già Tủa dưới chân ngọn núi Gằng Phằng.

Vẫn biết Sùng Đô còn tới gần 70% số hộ nghèo theo tiêu chí mới, nhưng rồi đây cuộc sống của đồng bào chắc chắn sẽ khá, bởi con đường xuống núi đã được rộng mở, ruộng nước hai vụ và trồng rừng kinh tế đã thành công, giờ thêm cây thảo quả sai hoa, trĩu trái, hứa hẹn một cuộc sống no cơm, ấm áo. Đỉnh Giằng Phằng và đại ngàn bao la vẫn một màu xanh bất tận. Trên đỉnh cột cờ trước sân UBND xã lá quốc kỳ đỏ thắm bay phấp phới. Tiếng cười ròn rã của đán trẻ chơi quay, những câu chuyện vui của già Tủa và cả cái xiết tay rất chặt của người cán bộ trẻ Hờ A Ký khiến tôi thêm tin tưởng vào ngày mai tươi sáng; thêm tin vào nghị lực sống và quyết tâm của những người dân trên quê hương người anh hùng lao động Giàng A Thào.