LHQ cảnh báo về tình trạng báo động môi trường tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương

ThienNhien.Net – Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) vào ngày 22/12/2006, các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã và đang sử dụng các nguồn lực vượt quá khả năng đáp ứng của môi trường tự nhiên. Việc phát triển kinh tế là rất quan trọng, để có thể tiếp tục quá trình này, đòi hỏi các nước trong khu vực phải chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng xanh, một mô hình tăng trưởng rất hiệu quả.

Mới đây, Uỷ ban kinh tế và xã hội LHQ đã đưa ra một báo cáo về tình trạng môi trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, việc đáp ứng những nhu cầu phát triển của con người dựa trên sử dụng những mô hình tăng trưởng kinh tế hiện có và sau đó tiến hành xoá bỏ chúng sẽ có thể sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề sinh thái.

Các vấn đề được đưa ra bao gồm: mật độ dân số trong khu vực cao gấp 1,5 lần mức trung bình trên thế giới; lượng nước ngọt bình quân đầu người ở mức thấp nhất thế giới; diện tích đất đang sản xuất bình quân đầu người ở dưới 60% trung bình trên toàn thế giới; đất có khả năng canh tác bình quân đầu người cũng không vượt quá 80% trung bình toàn cầu.

Trong khi đó, một số ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao đang phát triển nhanh chóng ở nhóm các nước nghèo hơn là các nước giàu, ngành sản xuất nông công nghiệp tiêu thụ nhiều nước, hoá chất, và năng lượng. Bên cạnh đó, khi thu nhập gia tăng, lối sống của người dân thay đổi, họ ngày càng sử dụng nhiều năng lượng và thải ra nhiều rác.

Trong khi đạt được những tiến bộ trong trồng rừng, diện tích rừng tự nhiên lại giảm. Đặc biệt, ở khu vực Đông Nam Á, tốc độ khai thác nước sạch cao và thiếu bền vững – ít nhất là ở 16 quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, hệ thống thuỷ lợi – yếu tố tiêu thụ nhiều nước nhất – lại đang trong tình trạng kém hiệu quả và không được tu bổ thường xuyên ở hầu hết các nước.

Khả năng bền vững của nguồn cung cấp nước đang ngày càng bị đe doạ bởi sự thay đổi khí hậu – nguyên nhân gây ra hạn hán bất thường và ngày càng trầm trọng và về lâu dài làm suy thoái hệ thống nước ngọt do băng tan chảy.

Bản báo cáo nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế là cần thiết và là yếu tố không thể thiếu.bởi hiện tại, có khoảng 670 triệu người đang sống dưới mức 1 USD/ngày, khoảng 665 triệu người không có cơ hội được sử dụng các nguồn nước uống cải thiện nhưng các quốc gia phải giải quyết hàng loạt các thách thức về phát triển gia tăng.

Các nước ở Nam Á với dân số chiếm 40% khu vực châu Á- Thái Bình Dương, sẽ phải đối mặt với một số vấn đề nóng bỏng trong những thập kỉ tới bao gồm: gia tăng dân số, thay đổi chế độ thủy văn và khí hậu, nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng lên, các vấn đề về nước và những nhu cầu thiết yếu khác- tất cả đều cần được giải quyết.

Bản báo cáo cũng cho thấy hai mặt của thực trạng hiện nay. Một mặt, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường đã đạt được hiệu quả, và những sức ép từ thị trường cũng buộc các doanh nghiệp phải sử dụng năng lượng hiệu quả hơn vì giá các nguồn tài nguyên ngày càng cao. Mặt khác, khi thu nhập tăng lên và quá trình toàn cầu hoá được mở rộng thì mô hình sử dụng năng lượng trở nên kém bền vững với môi trường. Vì vậy một quá trình sử dụng năng lượng vừa hiệu quả, vừa có lợi cho sinh thái trở nên ngày càng quan trọng.