Bèo giúp người nghèo

Cây bèo tây vốn dĩ lâu nay vẫn trôi dạt dọc theo mép nước biển vùng bãi ngang Hậu Lộc (Thanh Hoá) làm ô nhiễm môi trường nay bỗng chốc trở thành thứ hàng hoá giúp trăm hộ dân cải thiện cuộc sống.

Cơ sở tiểu thủ công nghiệp Thanh Hợi là nơi mở cánh cửa, tạo nhiều việc làm thêm cho dân. Bình quân, một nhân công ngoài chăm sóc cây lúa, con lợn, mỗi ngày còn có thể kiếm thêm được từ 15-18 nghìn đồng từ việc đan giỏ bèo.

Ai bảo “rẻ như bèo”?

Gần hết đời người, bà Vũ Thị Liễu (ở thôn Mỹ Điền, xã Đa Lộc) vẫn chưa một lần rời làng mình để đi tìm công việc có thể kiếm được nhiều tiền hơn nghề làm ruộng. Cuộc sống của người dân vùng biển vốn dĩ chồng chất khó khăn, nhưng với gia đình bà Liễu thì càng khó khăn. Cả nhà 7 miệng ăn đều nhìn vào mấy sào ruộng. Hai năm gần đây bão tố lại liên tục khiến gia cảnh nhà bà càng thêm bi đát.

Vùng đất ven biển Hậu Lộc có đặc thù riêng, thấp và dễ ngập úng. Vào vụ đông không thể trồng được cây màu, bởi chỉ một trận mưa là ngập úng hoàn toàn. Nay nghề phụ đan giỏ bèo, thảm cói đã tạo việc làm cho nhân dân trong lúc nông nhàn, giúp họ kiếm thêm đồng ra đồng vào, cải thiện cuộc sống.

Cây bèo tây trước đây chủ yếu làm thức ăn cho lợn. Nhưng nay do người chăn nuôi dùng bột là chính nên bèo tây trở thành thứ vô tác dụng, trôi dạt, chết thối làm ô nhiễm môi trường biển. Thế rồi, Phạm Thanh Hợi – một thanh niên xuất ngũ – đã tìm tòi, mạnh dạn đưa nghề mới vào địa phương.

Bèo tây quay lại thời “hoàng kim”, người dân không thờ ơ với bèo nữa. Nhiều gia đình có ao hồ nuôi cá đã “thâm canh” cây bèo, chăm sóc, tưới phân giúp bèo nhanh tốt, đạt đủ tiêu chuẩn về chiều cao để thu hoạch bán cho Cơ sở Thanh Hợi. Giờ đây cây bèo tây không còn là thứ “rẻ như bèo” nữa, nó thành thứ hàng hoá giúp nhiều hộ dân thoát đói, giảm nghèo.

 đan giỏ bèo
Bà Vũ Thị Liễu đan giỏ bèo (Ảnh: Lao động)

Đến thăm gia đình bà Đỗ Thị Giới tôi thấy cả 3 mẹ con đang ngồi cặm cụi đan giỏ bèo ở giữa nhà. Bà Giới kể rằng từ ngày có nghề này, bà xin được theo học. Lớp học đó đông lắm, khoảng gần 300 người từ các xã Minh Lộc, Hưng Lộc và xã nhà Đa Lộc về chăm chú nghe các thầy cô giảng bài. Gọi là đi học nghề nhưng không phải đóng học phí, không phải trải qua các kỳ thi tuyển, ngoài ra còn được hỗ trợ thêm.

Mỗi ngày, mỗi người đi học được Cơ sở Thanh Hợi “tặng 3.000 đồng”. Bà con phấn khởi lắm. Bà Giới cứ tưởng nghề đan lát giỏ bằng bèo khó đến mức không thể làm được, song cứ đi thử xem thế nào. “Đi học rồi mới thấy ham, thấy thích. Học vừa được tiền, lại biết nghề, ai mà không thích, không vui. Vậy là dân làng trên, xóm dưới kéo nhau về học”.

Bà Giới đan giỏ bèo thành thạo nghiễm nhiên trở thành “cô giáo” truyền nghề cho hai con gái đang tuổi đến trường. “Một ngày, riêng tôi đan được 3 chiếc giỏ. Nguyên liệu do Cơ sở Thanh Hợi cấp. Mỗi chiếc được 6 nghìn đồng tiền công. Hai cô con gái do đang đi học nên ngày chỉ đan được 1 hoặc 2 chiếc. Chẳng phải đi đâu xa, ngồi ngay trong nhà, tranh thủ làm, bình quân mỗi ngày 3 mẹ con tôi cũng kiếm được 30 nghìn đồng” – bà Giới kể.

Giúp dân xoá nghèo

Phạm Thanh Hợi là một thanh niên còn khá trẻ, chưa lập gia đình. Xuất ngũ trở về địa phương, hoàn cảnh nhà anh cũng không khá gì hơn so với bà con lối xóm. Hợi lại xách balô lên đường vào Nam làm ăn. Nhưng công việc thất thường, thu nhập không ổn định nên Hợi sống thất thểu, lang thang nay đây mai đó. Cuối cùng anh quyết định quay về.

Rồi anh gặp một ông chủ người Kim Sơn, Ninh Bình chuyên xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Ông đã bày cho Hợi bước đường làm ăn, phát triển kinh tế dựa vào cộng đồng dân cư ở các địa phương. Từ đó Phạm Thanh Hợi về quê xin chính quyền địa phương mở lớp học đan giỏ bèo, thảm cói.

Ông Đỗ Sơn Lâm – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Mỹ Điền, xã Đa Lộc – kể: “Tôi thấy anh Hợi giải thích rất thuyết phục nên đồng ý liên hệ với Đảng uỷ, uỷ ban, các đoàn thể giúp anh mở lớp dạy nghề. Mở được lớp rồi, hàng ngày tôi qua lại động viên bà con học chăm chỉ. Tôi còn sáng tác nhiều bài thơ đọc cho các lớp học nghe làm tăng khí thế hăng say lao động”. Cũng từ ngày Cơ sở Thanh Hợi ra đời, người dân nhiều làng quê vùng biển Hậu Lộc học nghề mưu sinh.

Bà Vũ Thị Lý – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đa Lộc tâm sự: “Hai năm gần đây bão liên tục “ghé thăm” vùng biển Hậu Lộc. Đặc biệt là cơn bão số 7 năm 2005 cướp đi hàng nghìn ngôi nhà của người dân nghèo ở nhiều xã vùng bãi ngang, đẩy cuộc sống của họ lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Đất đai bị nhiễm mặn, nhanh cũng phải vài ba năm nữa mới trồng lúa trở lại được.

Ngư dân vốn sống “bám” vào biển nhưng nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, phải đi xa hàng trăm dặm mới tìm được nguồn cá. Trừ mọi chi phí, mỗi chuyến đi hàng tháng trời, một lao động cũng chỉ kiếm được khoảng 800 nghìn đồng, lấy đâu tiền để nuôi con cái ăn học. Mở thêm được một nghề mới là tăng thêm niềm vui cho hàng trăm, nghìn người dân. Thu nhập từ nghề đan giỏ bèo, thảm cói tuy chưa cao nhưng ổn định, không phải đi đâu xa, người dân có thể tranh thủ làm vào lúc rảnh rỗi.

Từ nghề phụ này, các em học sinh mỗi ngày chỉ cần đan được một chiếc giỏ là có thể tự trang trải được các khoản đóng góp cho nhà trường”. Mới đây, ông Nguyễn Văn Lợi – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá – đã về thăm Cơ sở Thanh Hợi, biểu dương tinh thần dám nghĩ, dám làm của Hợi. Tuy nhiên ông Lợi cũng gợi ý là làm cách nào đó để có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như bẹ ngô, vỏ dừa. Sau chuyến thăm của đoàn cán bộ cấp tỉnh, Phạm Thanh Hợi đang đi học hỏi kinh nghiệm để tiến tới sẽ mở thêm các nghề mới se lõi, đan thảm bằng bẹ ngô, vỏ dừa.

Tâm sự với chúng tôi, Phạm Thanh Hợi khẳng định, đầu ra cho sản phẩm đã có đơn vị bao tiêu toàn bộ và không hạn chế về mặt số lượng. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là vấn đề đào tạo đội ngũ những người “công nhân” bán chuyên nghiệp nhưng phải lành nghề để làm ra những sản phẩm bền, có mẫu mã đẹp thu hút được nhu cầu của khách hàng. Hợi đang phối hợp cùng chính quyền các xã lân cận mở rộng quy mô sản xuất tới hàng trăm hộ dân, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Chàng trai trẻ Phạm Thanh Hợi đang băn khoăn là hiện nay vốn vay từ ngân hành lãi suất vẫn còn khá cao so với nghề giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội này. Các ngành chức năng cần có một cơ chế, chính sách thoáng hơn nữa để giúp cho những vùng quê nghèo phát triển kinh tế, xã hội từng bước vươn lên xoá đi những thiếu thốn trong cuộc sống. Hợi chưa thành một ông chủ giàu có, vững mạnh về tiềm lực kinh tế, song với những gì anh làm được đang tạo nên những đổi thay rõ rệt ở các địa phương thuộc vùng biển Hậu Lộc.