Biển – nguồn Polyme tương lai

Đất sét và tảo sẽ trở thành những loại thuốc kháng sinh mới cho súc vật. Không chỉ có vậy, chúng còn có thể được sử dụng để sản xuất polyme công nghiệp.

Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, các chất thải đã dẫn tới sự tăng vọt của số lượng các loài tảo. Chúng xâm lấn đất các bờ biển của Anh và hàng năm chính quyền địa phương phải tổ chức dọn dẹp từ 30.000 đến 140.000 tấn “rác thải xanh” bốc mùi rất khó chịu này.

Trước thực trạng đó, công ty Olmix chuyên kinh doanh các thực phẩm giành cho gia súc, đã tìm cách xử lý một cách triệt để hiện tượng môi trường trên bằng cách sử dụng công nghệ nano để biến tảo biển cùng với đất sét thành thuốc kháng sinh và polyme công nghiệp. Ban đầu, Olmix triển khai những máy thu rửa tảo lớn có khả năng thu hồi tới 12 tấn tảo mỗi ngày trên các bờ biển của Anh. Tảo sau đó được đưa về các nhà máy. Tại đây, các chuỗi phân tử đường trong tảo được thay đổi cấu trúc để tạo ra một chất gọi là Amadeite có thể thay thế kháng sinh, thay dầu trong công nghiệp chế tác chất dẻo công nghiệp hoặc giúp bổ sung đặc tính chống thấm và tăng độ bền cho các loại chất dẻo hữu cơ (làm từ bột). “Với tảo và đất sét chúng tôi có thể sản xuất được nhựa 100% sinh học (tự hoại)”, Philippe Le Ray – Giám đốc điều hành Olmix nói.

Nhờ phát minh này, Olmix đã ký được nhiều hợp đồng với các công ty sản xuất thực phẩm giành cho gia súc, các hãng mỹ phẩm, tập đoàn sản xuất ô tô, sản xuất nhựa và bê tông. Một vấn đề đặt ra là Olmix phải có được nguồn tảo đảm bảo trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

Theo tính toán, Olmix phải thu hồi được ít nhất là 100.000 tấn tảo mỗi năm, tức chiếm 1/3 tổng số lượng tảo tại các bờ biển của Anh. Tuy nhiên, các nhà môi trường lại lo ngại rằng Olmix sẽ lợi dụng điều này để kiểm soát số lượng và tiếp tục cho tảo phát triển để phục vụ mục đích kinh tế của họ. Đến lúc này thì chỉ còn biết chờ đợi quyết định của chính quyền các thành phố có nạn tảo xâm lấn. “Nếu những phản đối quá gay gắt chúng tôi sẽ tìm kiếm những mỏ tảo khác, có thể là ở Philippin và thậm chí chúng tôi có thể tự nuôi trồng chúng”. Philippe Le Ray nói .