Công nghệ nào cho xử lý chất thải sinh hoạt đô thị?

Sử dụng công nghệ cũ hay mới, nội hay ngoại – đó là vấn đề được hơn 160 đại biểu đại diện các Sở Tài nguyên Môi trường, các công ty môi trường đô thị, các nhà khoa học, quản lý… quan tâm tại Hội thảo “Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị” do Cục Bảo vệ môi trường và UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức ngày 26/12/06 tại TP. Huế.

Hiện hơn 80% chất thải rắn ở nước ta được xử lý bằng chôn lấp, còn lại được ủ sinh học, đốt, tái chế. Trong số 91 bãi rác của cả nước, chỉ có 17 bãi được thiết kế và xây dựng theo quy cách hợp vệ sinh, song khi vận hành lại chưa tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ngoài chôn lấp, một phần rác được xử lý ở các nhà máy, tuy nhiên nhiều công trình xử lý rác đặt phân tán tại nhiều địa điểm trong đô thị nên hiệu quả xử lý chưa triệt để. TS.Đặng Văn Lợi, Trưởng phòng Công nghệ, Cục Bảo vệ môi trường cho biết: “Hàng tháng, Nhà máy xử lý rác Cầu Diễn (Hà Nội) phải chuyển hàng nghìn tấn chất trơ không ủ sinh học được sang bãi Nam Sơn xử lý”. Hiện các khu xử lý rác đang xây dựng đều hướng đến mô hình khu liên hợp, có đầy đủ các công nghệ tái chế, chôn lấp, đốt…

Hiện nay, một công nghệ xử lý hiện đại đã được áp dụng ở nhiều nước và đang được thử nghiệm tại Việt Nam là công nghệ 3R (Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế). Điều kiện để thành công là rác phải được phân loại tại nguồn. Theo nhiều đại biểu, ưu thế của phân loại rác tại nguồn đã rõ song áp dụng ở ta chưa được hiệu quả. “Ý thức của nhiều người dân còn hạn chế vì thế dự án phân loại tại nguồn ở Thanh Xuân (Hà Nội) cách đây vài năm “chết” ngay sau khi dự án kết thúc”, ông Nguyễn Khang, Giám đốc Công ty Công trình đô thị Ninh Thuận cho biết. Cùng ý kiến với ông Khang, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thành Công (Nam Định) cho rằng phải 5-7 năm đẩy mạnh tuyên truyền mới có thể triển khai phân loại rác tại nguồn hiệu quả. Ông Dũng còn nhận thấy một số công nghệ ngoại nhập chưa phù hợp với điều kiện kinh tế nước ta: “Mới đây, một số nhà đầu tư nước ngoài có chào giá xử lý 1 tấn rác từ 16-40 USD, với giá này ta không thể kham nổi, trong khi các công nghệ trọng nước chỉ tối đa mới tới 16-20USD”.

Chọn công nghệ nào cho phù hợp, điều đó phụ thuộc vào điều kiện ở mỗi địa phương. Hiện Cục Bảo vệ môi trường đang soạn thảo quy trình đánh giá làm cơ sở để lựa chọn công nghệ xử lý rác phù hợp.