Cửa Hương – "người đẹp ngủ trong… núi"

Giữa vùng "sơn thuỷ hữu tình" thuộc địa phận huyện Mỹ Đức (Hà Tây), một đầm nước trong vắt được tạo nên từ mạch ngầm trong lòng dãy núi đá thẳm sâu, huyền bí đang thu hút đông đảo du khách đến khám phá sự diệu kỳ của thiên nhiên…

Một đầm nước trong vắt, chạy dài hun hút từ trong lòng dãy núi đá vôi sừng sững, mang một cái tên rất trữ tình: Hang Cửa Hương. Cái tên hẳn đã ẩn chứa một điển tích đẹp nào đó từ ngày khai thiên lập địa. Nước trong đầm mát lạnh về mùa hè, ấm nóng về mùa đông. Điều đặc biệt là nước luôn được lưu thông nên rất sạch. Người dân khi làm đồng về, chỉ cần nhảy xuống tắm táp, để dòng nước vuốt ve, xoa dịu là bao mệt mỏi như tan biến. Với đám trẻ, thì hang Cửa Hương là một điểm vui chơi lý thú suốt bốn mùa.

Theo người dân địa phương, dòng nước Cửa Hương được bắt nguồn ở địa phận Ái Làng, xã An Phú (nơi có vùng nước xoáy có hình thùng rượu tạc 3 cô gái tiến vua) xuyên qua lòng núi rồi tụ lại ở thôn Phú Duy (xã An Tiến, huyện Mỹ Đức). Từ đây, sau khi tưới mát cho những thảm lúa mướt xanh, nước xuôi dòng Thanh Hà rồi thoát ra sông Đáy.

Chuyện kể rằng: Trước kia, có người vô tình thả quả bưởi ở vùng nước xoáy Ái Làng, rồi lại vớt được nó ở chính đầm nước hang Cửa Hương. Như vậy, đầm nước được hình thành từ dòng chảy ngầm khoảng 10km trong lòng núi. Nhiều du khách hiếu kỳ đã thử bơi sâu vào trong để khám phá, nhưng do thiếu ánh sáng mặt trời, nên chưa có ai đủ dũng khí đi đến tận cùng của mạch nước ngầm.

Ngày xưa, vì nguồn nước này mà cánh đồng nơi chân núi của thôn Phú Duy chỉ cấy được một vụ chiêm. Nhưng từ khi nhân dân đào sông Mỹ Hà đắp đê ngăn lũ, kiểm soát được dòng nước, vùng này đã cấy hái được hai vụ lúa chiêm – mùa. Được biết, thôn Phú Duy thờ thành hoàng làng là tướng Ngô Xương Xí – một trong những thủ lĩnh của 12 sứ quân thời vua Ngô Tôn Quyền. Bãi tập của nghĩa quân xưa kia chính là những bãi trên núi quanh đầm Cửa Hương. Tương truyền, đầm Cửa Hương chính là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nghĩa quân. Cách đây 5-7 năm, những người đi tìm nguồn sắt đã bắt gặp rất nhiều dấu tích của vũ khí của nghĩa quân được chôn giấu sâu dưới lòng núi.

Cùng với điển tích lịch sử đó, ở cánh đồng Phú Duy, vào khoảng năm 1965, trong khi đào đất đắp đê, nhân dân đã phát hiện trống đồng cổ, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Tây.

“Tiếng lành đồn xa”, Cửa Hương ngày càng thu hút đông đảo du khách đến thăm. Ông Trần Quang Điện – Trưởng ban Văn hoá xã An Tiến cho biết: Những ngày lễ, ngày nghỉ, các đoàn khách trên tuyến thắng cảnh Chùa Hương hoặc đến với khu du lịch Quan Sơn tiện đường thử ghé qua và đều bị hấp dẫn bởi sự mát trong của làn nước đầm Cửa Hương. Từ giữa năm 2005 trở về trước, vào những dịp 8/3, 30/4, 1/5, 2/9… có ngày đầm Cửa Hương đón hàng nghìn lượt khách ghé thăm.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch xã An Tiến, chúng tôi được biết: Trong khi chờ đợi sắp xếp quy hoạch để Cửa Hương trở thành điểm du lịch – di tích lịch sử xứng tầm, gần đây, chính quyền xã đã ra thông báo tạm thời giảm bớt một số hoạt động kinh doanh xung quanh khu vực Cửa Hương để tránh sự lộn xộn và tranh chấp. Bởi từ trước đến nay, chính quyền các cấp chưa có động thái cụ thể nào để khai thác đầm nước. Mọi hoạt động du lịch ở đầm Cửa Hương đều là tự phát. Một số hộ dân địa phương đã “năng động” đến làm dịch vụ xung quanh khu đầm nước, tự ý thu tiền qua cầu, bán hàng ăn uống, dịch vụ trông giữ xe…

Cùng tuyến hành hương về đất Phật Chùa Hương, tour du lịch sinh thái hồ Quan Sơn thì trong tương lai gần, đầm Cửa Hương sẽ là điểm kế tiếp mà du khách muốn dừng chân để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và nghỉ ngơi, thư giãn… Để đạt được điều đó, rất cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các ngành chức năng trong việc lập dự án cải tạo khu du lịch Cửa Hương.