900 tỷ yên để cải thiện môi trường Việt Nam

Theo ông Wataru Yoshida, giám đốc điều hành khu vực châu Á và châu Đại dương của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), tổng giá trị vốn vay ODA mà ngân hàng này dành cho Việt Nam vào khoảng 900 tỷ yên. Cũng theo ông Yoshida, ngoài việc hỗ trợ và cải thiện môi trường đô thị mà JBIC đang tiến hành, JBIC sẽ nghiên cứu các giải pháp giảm ô nhiễm công nghiệp ở Việt Nam.
Trước mắt, thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính, JBIC sẽ hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam và các hoạt động đầu tư thương mại giữa Nhật Bản với Việt Nam, đồng thời thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường. Cụ thể: Cho vay để xuất khẩu các thiết bị và công nghệ của Nhật Bản; hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản; hỗ trợ các dự án hạ tầng có tính đến những lợi ích mà các dự án này mang lại cho Nhật Bản, bất kể dự án có liên quan đến việc xuất khẩu và đầu tư của Nhật Bản hay không. Ngoài ra, JBIC còn xem xét các dự án môi trường cụ thể giúp giảm thiểu khí thải nhà kính ở Việt Nam.

Đây là nội dung của Hội nghị giới thiệu kỹ thuật, công nghệ Nhật Bản nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam, diễn ra sáng nay (16/12) tại Hà Nội. Gần 60 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ môi trường đã giới thiệu về công nghệ xử lý nước thải, thực hiện không có chất thải trên cơ sở sử dụng sản phẩm sinh học; tái chế nhiệt bằng lò khí hóa; tổng hợp ethanol từ chất thải sinh học…

Bên cạnh đấy, Nhật Bản còn giới thiệu về hệ thống vận chuyển nội đô của Hitachi bằng đường xe lửa vận hành từ năm 1962 đến nay, với 430.000 hành khách/ngày trên quãng đường tàu chạy 25.600.000km/năm mà không có sự cố hay tai nạn nào. Đây được coi là một trong những yếu tố góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường thành công của Nhật Bản.

Hiện nay, Nhật Bản đang hỗ trợ cải thiện môi trường đô thị ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM. Ông Okonogi – thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết: Sắp tới, Nhật Bản sẽ hợp tác với các tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Dương và một số tỉnh khác ở Việt Nam về lĩnh vực công nghệ môi trường trong xử lý chất thải. Tại Hội nghị này, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tìm hiểu về khả năng đầu tư nhằm phát triển công nghệ môi trường ở Việt Nam.

Chuyển giao và phổ biến công nghệ môi trường của Nhật Bản để giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam hiện là vấn đề rất quan trọng và cần thiết, vì Nhật Bản đang là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam.  Đại diện ngành môi trường Việt Nam và Nhật Bản thống nhất, việc xây dựng lộ trình về hợp tác môi trường giữa hai nước có sử dụng vốn ODA của Nhật Bản cần phải được thực hiện một cách có hiệu quả và bền vững. ”Chúng ta phải phát huy được năng lực công nghệ của cả các doanh nghiệp Nhật Bản lẫn các đối tác Việt Nam, và vốn là yếu tố quan trọng của quá trình này.” – bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực nhấn mạnh.