Nguồn hải sản đại dương có nguy cơ cạn kiệt

Các nhà nghiên cứu Mỹ và Canada vừa lên tiếng cảnh báo nguồn tài nguyên cá và hải sản ở các đại dương sẽ cạn kiệt vào năm 2048 nếu xu hướng tàn phá môi trường sinh thái và nạn đánh bắt quá mức vẫn tiếp tục với tốc độ như hiện nay.
Các nhà nghiên cứu Mỹ và Canada vừa lên tiếng cảnh báo nguồn tài nguyên cá và hải sản ở các đại dương sẽ cạn kiệt vào năm 2048 nếu xu hướng tàn phá môi trường sinh thái và nạn đánh bắt quá mức vẫn tiếp tục với tốc độ như hiện nay.
Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thực phẩm của loài người.
Theo nghiên cứu “Tác động của suy giảm đa dạng sinh học đối với hệ sinh thái biển”, đăng trên tạp chí Science, sự đa dạng sinh thái của biển – bao gồm sự đa dạng của các loài cá, động vật có vỏ, chim, cây và các loài vi sinh vật – đã giảm mạnh trong thời gian qua. Chỉ trong năm 2003, 29% chủng loài cá rơi vào tình trạng cạn kiệt.
Chuyên gia Boris Worm, thuộc ĐH Dalhousie, Canada, và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu, khẳng định tất cả các loài, từ động vật có vỏ đến cá ngừ, cá kiếm, động vật có vú, kể cả hải cẩu, cá voi, cá heo…đều bị ảnh hưởng và khó có khả năng phục hồi sau khi bị cạn kiệt do sự biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm, hoặc khai thác quá mức.
Nghiên cứu nhận định để góp phần phục hồi các nguồn hải sản bị cạn kiệt, cần phải bảo tồn hệ thống sinh thái biển và thiết lập các “khu vực không đánh bắt”. Theo các nhà nghiên cứu, ngoài những lợi ích kinh tế đối với các cộng đồng dân cư ven biển, nơi đánh bắt cá được coi là một ngành công nghiệp quan trọng, việc tái xây dựng sự đa dạng của nguồn sinh thái biển còn vì lợi ích môi trường.